“Being scared is part of being alive. Accept it. Walk through it.”

Cứ mỗi thứ Sáu, mình lại có hẹn trò chuyện với một người bạn thân quen. Dẫu ở hai châu lục khác nhau, nói hai thứ tiếng khác nhau, chưa từng gặp mặt nhau và tuổi tác cũng rất chi chênh lệch nhưng đó chẳng bao giờ là trở ngại cho sự kết nối gần gũi này. Thi thoảng, chúng mình lại bảo nhau, vũ trụ này thật diệu kỳ, khi mọi sự kết nối vượt ra ngoài sự giới hạn thông thường về không gian và thời gian. Không chỉ chúng ta kết nối với nhau, mà chúng ta còn kết nối với vạn vật trong vũ trụ.

Đúng rồi, chẳng phải thật diệu kỳ sao?

Hôm qua, người bạn của mình nói rằng, bạn đang cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, chan hòa. Bạn đã sẵn sàng cho những thử thách đang chực chờ phía trước. Nếu hỏi bạn có sợ không ư? Tất nhiên là sợ rồi, vì cuộc sống của bạn sẽ không còn như trước nữa, và bạn không biết mình sẽ xoay xở ra sao. Nhưng bạn đã chuẩn bị tinh thần rồi; bạn chào đón nỗi sợ, bạn quan sát và cảm nhận nỗi sợ và bạn biết ơn nỗi sợ. Bạn không né tránh hay kìm chặt nỗi sợ vào trong. Bạn gửi năng lượng yêu thương tới nỗi sợ rồi để nó tự gói ghém ra đi trong niềm “hân hoan” (nếu có thể).

“We are all connected to everyone and everything in the universe.”

Đôi lúc, điều tốt nhất chúng ta có thể làm không phải là cố gắng tìm mọi cách để vượt qua nỗi sợ, hay chạy trốn khi một nỗi sợ bất kỳ ập đến. Đôi lúc, ta chỉ cần ngồi lại, hiện diện với nỗi sợ, biết rằng mình đang sợ, biết rằng mình vẫn đang thở,… là được rồi.

Khi một nỗi sợ trỗi dậy, ta quan sát và cảm nhận những cảm giác trên cơ thể mình. Tim ta đập nhanh, ta bắt đầu thở nông và gấp, trán toát mồ hôi, toàn thân run bần bật,…. bất kỳ cảm giác gì xuất hiện khi ta đang sợ hãi, ta chỉ cần ý thức sự hiện diện của những cảm giác đó mà thôi, thay vì phán xét hay cố gắng chế ngự chúng.

Một cách mà mình thấy khá hữu ích khi cảm thấy sợ hãi là gọi tên nỗi sợ và làm bạn với chúng “Ơ kìa, cái chứng sợ độ cao, mi lại đến rồi đấy à. Lâu lắm không gặp… Dạo này có gì vui không, kể nghe nào…” Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng như vậy còn tốt hơn nhiều việc xem những nỗi sợ là kẻ thù và cố gắng bài xích chúng, phải không? Ngoài ra, bạn cũng có thể để nỗi sợ viết cho bạn một bức thư, sau đấy bạn hồi đáp lại bức thư đó và cảm ơn nỗi sợ. Bằng cách này, bạn không những làm bạn với nỗi sợ, mà còn đón nhận nỗi sợ với tình yêu thương và sự thấu cảm. Tất nhiên, khi nói đến việc viết thư trao đổi, nhiều người sẽ cảm thấy miễn cưỡng và thật là kì cục. Nhưng nếu bạn không ngại thì hãy thử, và biết đâu, sau đấy bạn sẽ không còn thấy khó chịu khi nói về những nỗi sợ của mình nữa…

Về bản chất, sợ hãi là một trong những cảm xúc cơ bản và là cơ chế tự nhiên của con người. Cơ chế này giúp ta ý thức được nguy hiểm và từ đó giúp bản thân chuẩn bị tâm lý chống lại mối nguy hiểm đó. Nỗi sợ hãi đơn thuần không phải là điều tiêu cực hay đáng bị ghét bỏ. Nếu càng kháng cự, đè nén, phán xét hay phủ nhận nỗi sợ của mình, thì chính ta đang vô tình thổi phồng nó lên. Thay vì vậy, có lẽ cách tốt nhất là chấp nhận sự hiện diện của nỗi sợ, trao gửi yêu thương và lòng biết ơn tới nó.

Như Robin Sharma, tác giả của cuốn The Monk Who Sold His Ferrari, có nói: “Being scared is part of being alive. Accept it. Walk through it.”

Yêu thương,