Để có thể tái tạo nguồn năng lượng cho bản thân, bạn cần phải nghỉ ngơi thật đầy đủ. Nhưng khi nhắc đến nghỉ ngơi, có phải bạn sẽ lập tức nghĩ ngay đến một giấc ngủ hay một buổi tối dành thời gian cho bản thân như xem tivi, đọc sách…?
Thực tế, nhiều người thường đánh đồng việc nghỉ ngơi với việc thư giãn và ngủ sau một khoảng thời gian làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Saundra Dalton-Smith – Người đã viết trong quyển sách Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity rằng nghỉ ngơi không chỉ là việc bạn ngủ đủ giấc mà còn nhiều điều hơn thế nữa. Cụ thể, trong quyến sách, tiến sĩ Saundra đã chia trạng thái nghỉ ngơi thành 7 loại chính là:
- Nghỉ ngơi thể chất
- Nghỉ ngơi tâm trí
- Nghỉ ngơi giác quan
- Nghỉ ngơi sáng tạo
- Nghỉ ngơi cảm xúc
- Nghỉ ngơi xã hội
- Nghỉ ngơi tâm linh
Mục lục
Nghỉ ngơi thể chất (physical rest)
Nghỉ ngơi thể chất là trạng thái cơ thể được giảm thiểu các hoạt động thể chất hay các hoạt động cần phải gắng sức. Lúc này chúng ta cho phép mình nghỉ ngơi và phục hồi lại năng lượng.
Nghỉ ngơi thể chất được chia làm hai dạng là nghỉ ngơi thụ động (passive rest) và nghỉ ngơi chủ động (active rest). Theo đó, nghỉ ngơi thụ động chính là khi chúng ta ngủ ngon và sâu. Còn nghỉ ngơi chủ động thì thông qua các hoạt động có tính chất phục hồi như yoga, thiền, kéo giãn cơ, hay mát-xa,… Những hoạt động này cũng giúp cải thiện tính linh hoạt và tuần hoàn, qua đó giúp cơ thể chúng ta cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
Khi bạn cảm thấy đau nhức (đau chân, tay, vai gáy hay lưng,..) thì đấy chính là khi cơ thể đang báo hiệu rằng bạn cần nghỉ ngơi thể chất.
Nghỉ ngơi tinh thần (mental rest)
Tâm trí của chúng ta gần như phải làm việc liên tục và nó thật sự cần được nghỉ ngơi. Nếu bạn đọc đi đọc lại một trang sách nhưng bạn chẳng thể nhớ nổi nội dung. Hay bạn dự định đi lấy thứ gì đó nhưng sau đó lại chẳng thể nhớ ra mình muốn lấy thứ gì,… Đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần cho tâm trí mình được nghỉ ngơi.
Những lúc như vậy, trí não của bạn rất cần được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Hãy thử tắt điện thoại, máy tính và ra ngoài đi dạo một chút. Nếu không thể ra ngoài, bạn có thể đi dạo một vòng quanh nhà, dành ra 30 phút dọn dẹp không gian ngủ, trò chuyện với chú mèo của bạn, tưới cây, nghe một vài bản nhạc yêu thích,… Bất cứ một hoạt động nào đó giúp tâm trí được thảnh thơi, thư giãn đều giúp bạn nạp thêm năng lượng và làm việc hiệu quả hơn. Thiền, tập thở, viết nhật ký suy nghĩ hay thực hành chánh niệm cũng là những cách tuyệt vời giúp tinh thần bạn được nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể thử bài tập 5-4-3-2-1. Đây là một phương pháp chạm đất đơn giản giúp bạn giải tỏa căng thẳng và nâng cao khả năng tập trung.
Nghỉ ngơi giác quan (sensory rest)
Ánh đèn, màn hình máy tính, tiếng ồn giao thông hay những cuộc trò chuyện liên tục có thể khiến các giác quan của ta bị choáng ngợp và quá tải. Đây là lúc bạn cần đưa các giác quan của mình vào trạng thái nghỉ. Những lúc này, bạn hãy để chúng được nghỉ ngơi, bằng cách nhắm mắt lại tầm một vài phút sau vào giờ nghỉ trưa hay tắt hết các thiết bị điện tử vào cuối ngày, trước khi đi ngủ. Ngoài ra, thực hành thiền, tập hít thở, tập yoga, ngâm mình trong bồn nước ấm hay hòa mình vào thiên nhiên để hít thở không khí trong lành cũng là những cách giúp các giác quan của bạn được thư giãn.
Nghỉ ngơi sáng tạo (creative rest)
Sáng tạo là một phần quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt đối với những người làm trong ngành nghề đòi hỏi sự đổi mới cao thì nghỉ ngơi sáng tạo là điều tất yếu. Hãy cho bản thân được thư giãn nếu như bạn cảm thấy không còn có những ý tưởng mới mẻ, không thể đưa ra cách giải quyết vấn đề, hay những lúc bạn gặp khó khăn trong việc động não.
Đôi khi chỉ đơn giản là sắp xếp, bày biện lại không gian xung quanh, nghe một bản nhạc yêu thích hay đi tản bộ, đạp xe, ra ngoài trời để thay đổi không khí. Tạm gác lại những vấn đề còn vướng mắc và cho não bộ của mình có thời gian nạp lại năng lượng bạn nhé!
Nghỉ ngơi cảm xúc (emotional rest)
Nếu bạn đang cảm thấy có những cảm xúc tiêu cực nhưng vẫn cố gắng trả lời “tôi ổn” khi được người khác hỏi thăm, thì đấy chính là biểu hiện của việc kìm nén. Và việc kìm nén như vậy sẽ tạo thêm áp lực bên trong bạn. Những lúc như vậy bạn cần cho cảm xúc của mình được giải tỏa và nghỉ ngơi.
Hãy cho phép bản thân thành thật với chính mình, ngưng làm hài lòng và bị chi phối bởi người khác. Hãy ở bên những người mang lại sự bình yên và thoải mái cho bạn. Bên cạnh đó, việc viết nhật ký cảm xúc, thực hành chánh niệm, tâm sự với một người đáng tin cậy,.. cũng là những cách giúp xoa dịu và giải tỏa các cảm xúc trong bạn.
Nghỉ ngơi xã hội (social rest)
Mỗi người sẽ có một mức hòa nhập xã hội khác nhau, đôi khi bạn bị rút cạn năng lượng từ những chuyện và những người tiêu cực xung quanh. Và những lúc như vậy, bạn cần được nghỉ ngơi để cân bằng lại. Nghỉ ngơi xã hội không có nghĩa là bạn phải thu mình lại, không tiếp xúc với mọi người xung quanh. Mà nó là việc bạn kết nối với những người mang lại cho mình cảm giác được yêu thương, thuộc về và thấu hiểu, đồng thời học cách nói “không” với những mối quan hệ hay lời mời gượng ép. Nếu bạn là một người hướng nội, bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi không ai bên cạnh thì việc tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài một thời gian cũng là một cách để bạn nạp thêm năng lượng cho chính mình.
Tham gia vào các trải nghiệm xã hội tích cực như làm tình nguyện hay đi du lịch với bạn bè, người thân cũng chính là nghỉ ngơi xã hội.
Nghỉ ngơi tâm linh (spiritual rest)
Nếu bạn đang cảm thấy mất kết nối với chính mình và với mọi người xung quanh, nếu bạn cảm thấy lạc lối, vô định, thì nghỉ ngơi tâm linh sẽ mang tới bạn cảm thức thuộc về và toàn vẹn. Cầu nguyện, ngồi thiền, thực hành các nghi thức tâm linh… là một số gợi ý để bạn nghỉ ngơi tâm linh, từ đó giúp bạn nhận thức đủ đầy hơn về bản thân mình – về giá trị và lẽ sống. Ngoài ra, tham gia các hoạt động cộng đồng như hoạt động thiện nguyện cũng là một hình thức nghỉ ngơi tâm linh.
Bạn thấy đó, nếu chỉ nghỉ ngơi bằng một giấc ngủ thì không đủ để cho cơ thể chúng ta phục hồi lại năng lượng đã tiêu hao. Hãy lắng mình để cảm nhận xem bạn đang cần kiểu nghỉ ngơi nào trong 7 kiểu nghỉ ngơi trên và thư giãn đúng cách bạn nhé!
Lưu ý: Mệt mỏi có thể liên quan đến những vấn đề về sức khỏe, nếu tình trạng này kéo dài và không có cải thiện hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Tài liệu tham khảo
- Jessie Geofray (21.07.2022). There Are 7 Types of Rest. Which Do You Need Most? Goop.
- Heather White (21.12.2022). 7 Types of Rest: The Key to Becoming the Prepared Adult. American Montessori Society.
- Saundra Dalton-Smith MD (06.06.2021). The 7 types of rest that every person needs. TED Talks.
- Claudia Skowron (21.12.2022). The 7 Kinds of Rest You Actually Need. Psychology Today.
- Dannielle Haig (06.03.2023). The 7 types of rest your mind and body needs. Linked in