Sức khoẻ tinh thần

Điều diệu kỳ từ những cái ôm

Đã bao giờ bạn cảm thấy việc nhận được một cái ôm sau một ngày tồi tệ thực sự có tác dụng an ủi tuyệt vời hay chưa? Trong phút chốc, bạn được vỗ về, tiếp thêm năng lượng, giúp tâm trạng trở nên tốt hơn. 

Bạn có biết tại sao một cái ôm lại có tác dụng “nhiệm màu” như vậy không?

Những cái ôm chính là hành động âu yếm mà những người thân yêu dành cho nhau. Chúng ta ôm cha mẹ, ông bà, người yêu và bạn bè để thể hiện tình cảm. Hơn cả thế, những cái ôm còn được khoa học chứng minh rằng có tác động tích cực đến cơ thể chúng ta.

Hãy cùng mình tìm hiểu một số lý do chúng ta nên thực hành ôm nhiều hơn và các cách “khai thác sức mạnh” của việc ôm qua bài viết này nhé.

7 lợi ích của cái ôm đối với sức khỏe của chúng ta

Cái ôm không chỉ là một hình thức âu yếm để bày tỏ tình cảm mà nó còn chứa sức mạnh diệu kỳ đối với sức khỏe tinh thần, tâm lý và thể chất của mỗi người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những cái ôm có thể mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe chúng ta giống như các hoạt động lành mạnh: tập thể dục, thiền, yoga…

Dưới đây là 7 lý do để chúng ta nên thực hành ôm nhiều hơn:

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Việc ôm thường xuyên nói riêng và các hoạt động tiếp xúc thể xác nói chung hầu hết đều tốt cho sức khỏe tim mạch của chúng ta, đặc biệt là trong việc kiểm soát huyết áp khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng.

Nguồn ảnh: Priscilla Dupreez/ Unsplash

Trong một nghiên cứu trên tạp chí Behavioral Medicine, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm cho hai nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất nắm tay bạn đời của họ trong 10 phút và sau đó ôm trong 20 giây trước khi họ được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thuyết trình trước công chúng. Còn nhóm thứ hai chỉ yên lặng, nghỉ ngơi trước khi được giao nhiệm vụ phát biểu trước đám đông. Những người đã tiếp xúc cơ thể trước đó có huyết áp thấp hơn và nhịp tim tăng thấp hơn trong tình huống căng thẳng như vậy so với những người không tiếp xúc.

Thúc đẩy sự gắn kết trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta

Theo nhà tâm lý học Ilene Ruby, cái ôm thúc đẩy sự gắn kết và gần gũi giữa các mối quan hệ người với người. Cô đã chỉ ra rằng hành động ôm và những đụng chạm thân mật giữa người với người có thể thúc đẩy não bộ sản xuất Oxytocin, hay còn gọi là Chất hóa học của tình yêu. Trong cơ thể, Oxytocin có tác dụng làm giảm lượng Cortisol – đây là một loại hormone gây ra những căng thẳng, lo lắng, đồng thời khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và kết nối với mọi người hơn.

Nguồn ảnh: Xavier Mouton Photography/ Unsplash

Các nghiên cứu khẳng định rằng những đứa trẻ sơ sinh không được bế thường xuyên, thường gặp khó khăn trong quá trình trưởng thành và phát triển sau này; trong khi đó, những trẻ được  ba mẹ chăm sóc âu yếm nhiều hơn sẽ có phản ứng não bộ mạnh mẽ hơn, tạo tiền đề mạnh mẽ cho sự phát triển về mặt nhận thức và về xã hội sau này. 

Làm giảm căng thẳng

Bạn đã bao giờ ôm một người bạn, một thành viên gia đình hay người thương của mình một ngày dài làm việc và nghĩ: “ôi, mình thực sự cần điều này”? Theo đúng nghĩa đen, bạn có thể cảm thấy nhịp tim của mình chậm lại và não của bạn bình tĩnh lại.Một nghiên cứu khác tại trường Đại học Carnegie Mellon, trước các tình huống căng thẳng, ví dụ như trước khi thuyết trình, trước khi kiểm tra sức khỏe hoặc trước một chuyến đi dài, nếu bạn được…ôm một cái thì bạn sẽ bình tĩnh và cảm thấy thư giãn hơn, tự tin hơn . Không chỉ vậy, tác dụng của cái ôm khi đó thậm chí còn kéo dài lâu hơn nữa, giúp bạn duy trì sự bình tĩnh, thư thái trong suốt cả tình huống căng thẳng sau đó.

Truyền đạt tốt cảm xúc và giao tiếp tốt với người khác

Có thể chúng ta đã biết, giao tiếp phi ngôn ngữ mang lại rất nhiều lợi ích ấn tượng. . Mọi người có thể truyền đạt rất nhiều thông tin chỉ thông qua cử chỉ, biểu cảm của cơ thể, đặc biệt là với hành động  trìu mến như cái ôm. Thay cho hình thức giao tiếp bằng lời nói, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người có thể truyền đạt chính xác các cảm xúc từ sợ hãi đến biết ơn chỉ bằng cách sử dụng các kiểu đụng chạm hay ôm ấp khác nhau.

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Emotion còn cho thấy ngay cả những người xa lạ cũng có thể truyền đạt những cảm xúc như hạnh phúc, buồn bã, tức giận, sợ hãi, ghê tởm, biết ơn và cảm thông chỉ bằng cách chạm vào nhau.

Nguồn ảnh: Adrinna Geo/ Unsplash

Giảm các triệu chứng đau và tăng cường hệ miễn dịch

Bên cạnh việc những cái ôm có thể giúp chúng ta giảm bớt các triệu chứng như ngứa cổ họng, sổ mũi, hạ huyết áp hoặc giảm mệt mỏi… Có nghiên cứu còn cho thấy việc ôm có thể có lợi về mặt thể chất đối với những người mắc một số bệnh mãn tính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc gần gũi có thể giúp bệnh nhân ung thư giảm bớt các triệu chứng đau hơn so với các bạn nhân khác.

Đồng thời, một nghiên cứu năm 2014  được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý cho biết rằng, người trưởng thành khỏe mạnh khi tiếp xúc với  vi-rút gây cảm lạnh thông thường và khi đó, nếu những người này  được ôm thường xuyên hơn sẽ ít bị ốm hơn và ít có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Cải thiện giấc ngủ

Nguồn ảnh: Wevibe Toys/ Unsplash

Một cái ôm trước khi ngủ chắc chắn sẽ tốt hơn việc chúng ta nằm “đếm cừu”. Mặc dù oxytocin (chất hóa học của tình yêu) không ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của một người về mặt sinh học, nhưng tác dụng giảm lo lắng của nó chắc  chắn có ảnh hưởng đến việc cải thiện giấc ngủ.

Một cái ôm từ người thân yêu có thể làm giảm cortisol – một loại hormone gây căng thẳng, vì sự âu yếm sẽ giúp vô hiệu hóa phần não phản ứng với các mối đe dọa. Đồng thời, việc giải phóng oxytocin còn có tác dụng làm dịu tâm trạng, khiến chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong các mối quan hệ xã hội, giảm bớt việc suy ngẫm về đêm, nhờ đó, ,  hỗ trợ chúng ta có giấc ngủ ngon hơn. 

Nuôi dưỡng lòng từ bi

Theo nghiên cứu khoa học, Oxytocin có thể giúp chúng ta từ bi hơn với chính mình, bởi vì oxytocin làm giảm nồng độ cortisol ( hormone gây căng thẳng) trong cơ thể. Thực hành thiền ôm sẽ giúp chúng ta củng cố cảm xúc, nuôi dưỡng lòng từ bi, lòng tốt và gia tăng sự chấp nhận đối với bản thân và người khác

Sẽ ra sao nếu chúng ta “thiếu vắng” những cái ôm?

Việc ôm đã được khoa học chứng minh có tác động tích cực đến cơ thể con người cả về thể chất lẫn tinh tình. Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta “thiếu vắng” những cái ôm trong cuộc sống?

Thiếu vắng những cái ôm có thể dẫn đến tình trạng “touch starvation” hay “skin hunger” (nhu cầu xúc chạm thể chất không được thỏa mãn). Đây là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng, lo âu hay trầm cảm.

Lượng hormone Cortisol (một loại hormone được sản sinh khi cơ thể chúng ta gặp áp lực, căng thẳng) tăng cao có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa và miễn dịch. Chất lượng giấc ngủ cũng do vậy mà bị giảm đi.

Hơn nữa, khi thiếu đi những cử chỉ âu yếm hay những tiếp xúc vật lý, chúng ta dễ rơi vào trạng thái cô đơn, hay thậm chí mù cảm xúc (Alexithymia).

Nguồn ảnh: Vonecia Carswell/ Unsplash

Các cách “khai thác sức mạnh” của cái ôm

Thiền ôm

Sư ông Thích Nhất Hạnh từng nói rằng “Thiền ôm là sự kết hợp giữa thực hành phương Đông và phương Tây”. Một cái ôm thực là một cái ôm diễn ra khi  hơi thở của bạn có ý thức và bạn ôm bằng tất cả tâm trí, cơ thể và trái tim mình. 

Ôm trong chánh niệm, chánh định có thể mang lại cho chúng ta sự hòa giải, chữa lành, cảm thông và hạnh phúc. Thực tập thiền ôm đã giúp rất nhiều người hòa giải, hòa thuận được với nhau như giữa hai cha con, hai mẹ con hay giữa hai người bạn. Chúng ta có thể thực tập thiền ôm với bạn mình, với con mình, với cha, mẹ, vợ, chồng, hoặc thậm chí với một thân cây.

Ôm lấy chính mình

Nguồn: Izzy Park/ Unsplash

“Hãy ôm lấy chính mình!” Nghe có vẻ hơi kỳ cục, nhưng hành động vòng tay quanh người có thể giúp chúng ta giảm bớt nỗi đau và căng thẳng.

Cảm giác tự ôm chính mình là một loại cảm giác không bình thường, đến nỗi nó khiến não bạn bối rối khi nó cố gắng tìm hiểu cảm giác đó đến từ đâu. Cũng chính vì “sự xao nhãng” đó của não bộ, cơn đau cũng bạn cũng giảm bớt phần nào khi bạn khoanh tay trước người mình.

Nuôi thú cưng

Nếu chúng ta nuôi chó hoặc mèo, hãy ôm ấp và yêu thương chúng! Âu yếm, vuốt ve với một “người bạn lông xù” sẽ giúp chúng ta tiết ra hormone tình yêu giống như khi chúng ta ôm ấp người thương của mình. Người ta cho rằng, việc chạm vào thú cưng sẽ kích hoạt các dây thần kinh cảm giác, khiến cơ thể-  tiết ra hormone tình yêu oxytocin giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu. Nói cách khác, vuốt ve động vật mang đến cảm giác gắn bó, yêu thương, ấm áp tương tự như khi bạn tiếp xúc da kề da với một người.

Nguồn ảnh: Helena Lopez/ Unsplash

Để trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần thì những cái ôm là một điểm hoàn hảo để bắt đầu. Hãy trao đi thật nhiều cái ôm  cho mình, cho người. Vì trao đi cũng chính là nhận lại.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ashley Uzer (26.03.2020). 10 Health Benefits Of Hugging, Backed By Science. Mind Body Green Health
  2. Lisa van Raelte Ph.D (19.05.2022). 4 Significant Physical Benefits of Hugging. Psychology Today
  3. Ivy Kwong, LMFT (31.01.2022). The power of a Hug On Our Health. Verywell Mind
  4. Thich Nhat Hanh (11.08.2020). Thich Nhat Hanh on… / Learning to Hug. Plumvillage
  5.  Susannah Walker(22.06.2021). Four Ways Hugs Are Good for Your Health. Greater Good Magazine
  6. Thich Nhat Hanh (18.07.2022). How to Practice Hugging Meditation. Lion’s Roar

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *