Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết tới sức mạnh chữa lành diệu kỳ của thiên nhiên. Một cuộc dạo chơi trong công viên giúp ta thư giãn sau một ngày mệt mỏi. Một buổi dã ngoại trong rừng có thể nạp thêm cho ta năng lượng tích cực, yêu đời. Cũng chính vì thế mà từ lâu, thiên nhiên đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều liệu pháp cân bằng, xoa dịu thân tâm.
Theo đó, ở Nhật, người ta đã thử nghiệm và phát triển liệu phát “Shinrin-yoku” (Forest Bathing) hay còn gọi là Tắm rừng. Liệu pháp này giúp chữa lành tâm hồn, thanh lọc thân và trí từ sâu bên trong.
Mục lục
“Tắm rừng” là gì?
Trong tiếng Nhật, “Shinrin-yoku” là sự kết hợp của 2 từ “Shinrin” – “rừng” và “yoku” – “phòng tắm”. Trong tiếng Anh thì “Shinrin yoku” được dịch là “Forest Bathing”. Tiếng Việt mình gọi đây là Tắm rừng
“Tắm rừng” thoạt nghe có vẻ như là hoạt động làm sạch cơ thể được diễn ra trong rừng. Nhưng không phải vậy, “Tắm rừng” ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ về việc chúng ta tận hưởng bầu không khí trong trừng với các hoạt động như thiền, dạo bộ,… Từ đó giúp ta kết nối sâu hơn với mẹ thiên nhiên. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng, liệu pháp Tắm rừng không giống như việc mình đi leo núi, tập thể dục hay chạy bộ trong rừng. Tắm rừng chỉ đơn giản là chúng ta chìm trong không gian thiên nhiên thông qua việc sử dụng các giác quan vật lý – nhìn, nghe, chạm, ngửi, nếm.
Phương pháp này lần đầu xuất hiện vào năm 1982, khi Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản khuyến khích người dân sống lành mạnh song song với việc phát triển và bảo vệ môi trường.
Những lợi ích mà tắm rừng mang đến
Tắm rừng tuy thực hiện đơn giản nhưng hiệu quả mà nó mang lại là không thể ngờ tới. Một số lợi ích đặc biệt cho cơ thể thông qua hoạt động tắm rừng mà chúng ta có thể kể đến như:
Tăng hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm
Hệ thống thần kinh đối giao cảm là một mạng lưới các dây thần kinh giúp cơ thể thư giãn sau những hoạt động căng thẳng. Nó còn được gọi là hệ thống thần kinh “tự động”, vì nó chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng mà con người không cần phải suy nghĩ để kiểm soát bao gồm nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, tiểu tiện và điều tiết mồ hôi,…
Những tác động đối với cơ thể khi hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm được gia tăng
- Mắt: đồng tử co lại để hạn chế ánh sáng đi vào mắt. Tạo ra những thay đổi nhằm cải thiện tầm nhìn cận cảnh.
- Mũi và miệng: điều tiết tuyến nước bọt trong miệng và chất nhầy trong mũi. Điều này hữu ích với cơ chế tiêu hóa và thở của cơ thể trong thời gian nghỉ ngơi.
- Phổi: Nó thắt chặt các cơ đường thở và cuối cùng làm giảm khối lượng công việc mà phổi của bạn phải làm trong thời gian nghỉ ngơi.
- Tim: giảm nhịp tim và lực bơm của tim.
- Quá trình đào thải: giúp các cơ được thư giãn và kiểm soát khi đại tiện hoặc tiểu tiện.
Giảm căng thẳng, huyết áp
Những tác động tích cực của việc tắm rừng đang được biết đến nhiều hơn. Một nghiên cứu của trường Đại học Y Nippon ở Tokyo, Nhật Bản đã chỉ ra rằng, thói quen đi bộ trong rừng có thể giúp làm giảm huyết áp, điều hòa nhịp tip và giảm nồng độ các hormone có hại.
Một nghiên cứu khoa học khác cũng chỉ ra bằng chứng về việc tham gia tắm rằng giúp giảm các hormone gây căng thẳng như adrenaline và noradrenaline, cortisol.. Cụ thể, nồng độ cortisol trong cơ thể những người tham gia tắm rừng đã giảm đi, giúp ích đáng kể cho tình trạng căng thẳng tạm thời lẫn căng thẳng mãn tính.
Tăng số lượng tế bào “sát thủ”
Vào năm 1928, Tiến sĩ Tonkin (Nga) đã phát hiện ra một số hợp chất thơm hay tinh dầu tự nhiên có trong nhiều loài thực vật. Các tinh dầu tự nhiên này có chứa hợp chất kháng sinh mà thực vật tỏa ra trong không khí để tự bảo vệ mình khỏi những côn trùng hay vi sinh vật có hại. Ông đã đặt tên cho chúng là Phytoncides.
Phytoncides không chỉ có lợi cho cây cối, mà việc hít thở Phytoncides còn giúp làm tăng mức độ tế bào NK (Natural Killer cells) trong máu của chúng ta. Tế bào NK hay còn gọi là các tế bào “sát thủ tự nhiên”, là các tế bào lympho bắt nguồn từ tủy xương. Các tế bào NK đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch với các tế bào bị nhiễm virus, kháng lại sự hình thành khối u, cũng như đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm tổ của phôi thai.
Cơ thể chúng ta sử dụng các tế bào NK này để chống nhiễm trùng và ung thư. Sự gia tăng của tế bào NK đã được chứng minh là kéo dài hơn 30 ngày sau khi tiếp xúc, thực hành tắm rừng. Vì vậy thực hiện tắm rừng hàng tháng sẽ duy trì hoạt động của tế bào NK của một người gần như vĩnh viễn.
Cải thiện tâm trạng
Một nghiên cứu đã báo cáo rằng liệu pháp tắm rừng và các hoạt động kết nối thiên nhiên tương tự có thể có tác động tích cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở những người bị trầm cảm.
Cải thiện giấc ngủ
Theo bản thống kê giấc ngủ Oguri-Shirakawa-Azumi phiên bản MA (OSA-MA), tắm rừng làm giảm thiểu đáng kể tình trạng buồn ngủ, cải thiện cảm giác sảng khoái (phục hồi sau mệt mỏi), nâng cao chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy, việc dànhành hai giờ đi bộ trong rừng có thể giúp ích cho những người bị chứng mất ngủ. Điều này có thể xuất phát từ việc tâm trạng của chúng ta được cải thiện, cơ thể được vận động nhiều hơn khi thực hành tắm rừng.
Thực hành tắm rừng thông qua các giác quan
Trải nghiệm liệu pháp tắm rừng vô cùng đơn giản và không tốn nhiều chi phí. Bạn chỉ cần hòa mình vào thiên nhiên và đón nhận sự tươi mới, trong lành của môi trường bằng tất cả giác quan. Điều này sẽ giúp bạn xua tan đi phần nào những căng thẳng trong cơ thể.
Đọc thêm: 8 Bước thực hành Tắm rừng hiệu quả (Forest Bathing)
Thực hành cùng khứu giác
Các hợp chất thơm Phytoncides có trong cây cối rất dễ bay hơi, vì vậy chúng có thể chuyển từ trạng thái lỏng sang khí ở nhiệt độ phòng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loài thực vật và cây cối tỏa ra các hợp chất thơm hoặc tinh dầu có tê Phytoncides.
Do đó, bạn có thể ngửi được chúng. Mùi hương từ dầu đi vào mũi của chúng ta, thâm nhập và xuyên qua đỉnh mũi, đồng thời là vị trí đáy hộp sọ. Sau đó, các hóa chất từ tinh dầu sẽ tác động lên dây thần kinh khứu giác rồi di chuyển đến hồi hải mã – một cấu trúc quan trọng của não bộ, nơi có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ, giấc ngủ và ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta, đồng thời tăng cường khả năng sáng tạo. Đó chính là cách thức hoạt động của liệu pháp hương thơm.
Hít vào một làn hơi mát của rừng, cảm nhận không khí trong lành, tận hưởng mùi hương dịu dàng được thiên nhiên ban tặng sẽ là một thực hành vô cùng tốt cho cơ thể
Tiếp nhận năng lượng qua âm thanh
Phương pháp thực hành tiếp theo của tắm rừng đến từ việc lắng nghe âm thanh tự nhiên. Không gian âm thanh bao gồm những âm thanh của động vật hoặc những sự vật trong môi trường tự nhiên như tiếng suối róc rách, tiếng gió trên cây, tiếng chim hót,..
Đây là những âm thanh mang đến sự thư thái, đối lập hoàn toàn với âm thanh do hoạt động con người tạo ra như phương tiện giao thông, công trình thi công,… Một số giả thuyết được đưa ra rằng chúng ta cảm nhận âm thanh của thiên nhiên mang lại sự thư giãn vì thiên nhiên đưa chúng ta trở về với sự thuần túy, giản đơn của cuộc sống.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa
Chúng ta cảm nhận thiên nhiên thông qua khứu giác, thính giác và bây giờ là thị giác. Kể cả khi nếu bạn không ngửi được mùi hương của cây cối hay nghe tiếng chim hót, có thể bạn đang ở trong công viên hoặc nơi đang diễn ra trận đấu bóng thì vẫn có những lợi ích từ thiên nhiên thông qua trải nghiệm trực quan.
Các hiệu ứng hình ảnh vô cùng quan trọng, nếu bạn không thể tiếp cận hoặc nơi bạn ở không có rừng thì ít nhất việc xem video, hình ảnh về khu rừng vẫn có tác dụng làm thoải mái tinh thần, thư giãn đầu óc.
Tương tác cùng thiên nhiên
Xúc giác chính là giác quan cuối cùng được khai mở. Bạn có thể đặt tay lên chạm thân cây. Đưa tay hoặc chân xuống dòng nước mát và cảm nhận. Nằm trên mặt đất. Thưởng thức “hương vị” của rừng và giải phóng những tiêu cực bên trong mình, kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên.
Kết bạn cùng với khu rừng, quan sát xem bạn cảm thấy bị thu hút nhất bởi cây cối, viên đá, bông hoa hay sinh vật nào khác trong khu rừng. Tiếp cận chúng một cách thân thiện. Nói chuyện, giới thiệu bản thân bạn, như một kiểu trò chuyện từ người bạn mới. Hãy dành thời gian để lắng nghe chúng. Chú ý những gì nảy sinh trong trí tưởng tượng của bạn, có thể một luồng hình ảnh, ký ức, cảm giác của cơ thể. Nói với các sinh vật ấy những gì bạn đang cảm nhận.
Ngoài ra, còn có nhiều cách kết hợp khi thực hành tắm rừng như tập yoga, ăn uống trong rừng, thái cực quyền, thiền, tập thở, đi bộ kiểu Bắc Âu và quan sát thực vật.
Chúng ta có thể tắm rừng ở bất cứ đâu trên thế giới – bất cứ nơi nào có cây cối; bất kỳ thời điểm nào; trong thời tiết nóng hoặc lạnh; trong mưa, nắng hoặc tuyết. Thậm chí không cần phải ở trong một khu rừng. Khi đã học được cách thực hiện, ta có thể thực hiện “shinrin-yoku” ở bất kì đâu – trong công viên gần nhà hoặc trong khu vườn của bạn.
Để tăng hiệu quả cũng như sự thú vị cho quá trình thực hành, hãy chú ý quan sát xung quanh và tự đặt một vài câu hỏi trong khi trải nghiệm, ví dụ:
- Bạn thấy điều gì?
- Có nhiều loại cây khác nhau ở đây không?
- Bạn có nghe thấy tiếng chim hót gần đây không?
- Bạn có thể nghe thấy sự im lặng?
- Bạn có cảm thấy cơ thể của bạn khi bạn đi bộ hoặc thả lỏng?
- Bạn có thể hít thở mùi hương của cây cối không?
- Bạn có nhìn thấy bầu trời phía trên và màu ngát xanh của nó không?
- Bạn có cảm thấy kết nối với rừng/mọi vật xung quanh?
- Bạn có cảm nhận được sự bình yên?
- Bạn có đang thực sự tận hưởng thời khắc này?
Từ những hiệu quả tích cực mà liệu pháp tắm rừng mang lại, hãy ra ngoài và tìm cho mình một khu rừng hoặc bất cứ đâu thích hợp, dành thời gian để thực hành phương pháp này. Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng khi dành 2 giờ đồng hồ mỗi tuần “ngâm mình trong bể bơi thiên nhiên” đã cải thiện các chỉ số sức khỏe và hạnh phúc. Khi đã sẵn sàng cho việc thực hành tắm rừng, hãy gác bỏ lại điện thoại và những thiết bị điện tử. Tạm thời ngắt kết nối với thế giới bên ngoài và đắm chìm, tận hưởng bản thân trong khoảnh khắc đó, có thể bạn sẽ muốn bước đi, hoặc có khi muốn dừng lại và ngắm nhìn hoặc đơn giản là yên vị tại một nơi tĩnh lặng và hít vài hơi thật sâu; và dù cho thế nào bạn hãy từ từ cảm nhận dòng chảy thiên nhiên bên trong cơ thể mình.
Tài liệu tham khảo
- Barbara Field (July 21, 2021). What Is Forest Bathing?. Very Well Mind
- QING LI (May 1, 2018) ‘Forest Bathing’ Is Great for Your Health. Here’s How to Do It. TIME
- Dr. Tracey Mark (Jan 19, 2022) What is Forest Bathing? The Science Behind Stress Relief?
- Cleveland Clinic (June 06, 2022). Parasympathetic Nervous System (PSNS)
- Qing Li (November 2022). Effects of forest environment (Shinrin-yoku/Forest bathing) on health promotion and disease prevention —the Establishment of “Forest Medicine
- M. Amos Clifford, founder of the Association of Nature and Forest Therapy Guides and Programs. Get Started with Forest Therapy – Starter Kit
1 Comment