Forest Therapy Sức khoẻ tinh thần

8 Bước thực hành Tắm rừng hiệu quả (Forest Bathing)

Tắm rừng (shinrin-yoku) là một liệu pháp thư giãn, detox cơ thể và tái tạo năng lượng vô cùng hiệu quả. Hoạt động tắm rừng đã được chứng minh làm giảm nhịp tim và huyết áp, giảm tiết hormone gây căng thẳng; đồng thời giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện cảm giác hạnh phúc của con người. 

Forest bathing – Tắm rừng là gì? 

Theo National Geographic, Forest Bathing là một liệu pháp chữa lành thân tâm, trong tiếng Nhật gọi là shinrin-yoku (tạm dịch là tắm rừng hoặc hòa mình trong bầu không khí của rừng). Mặc dù tắm rừng bắt đầu ở Nhật Bản vào những năm 1980 nhưng gần đây nó đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Trong một thế giới mà chúng ta bị bao quanh bởi rất nhiều thiết bị công nghệ, điện tử thì tắm rừng được đánh giá là một phương pháp trị liệu tâm lý lành mạnh, tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa con người và môi trường thiên nhiên.

Lợi ích của việc Tắm rừng

  • Tắm rừng là một hoạt động cực kỳ dễ trải nghiệm, ít tốn kém và đem lại rất nhiều lợi ích về thể chất cũng như tinh thần cho chúng ta. Tăng cường chức năng miễn dịch: Tắm rừng giúp thúc đẩy đáng kể hoạt động của bạch cầu, giúp chống lại các tế bào vi rút và khối u.
  • Tăng cường sức khỏe tâm thần: Các hoạt động kết nối với thiên nhiên sẽ làm giảm mệt mỏi nhận thức, căng thẳng, trầm cảm cũng như giảm tình trạng lo âu ở cả nam và nữ.
  • Tăng cường chức năng nhận thức: Theo y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, yoga kết hợp với “tắm rừng” sẽ “mở khóa” các giác quan và giải phóng sự bình tĩnh; đem đến niềm vui, hạnh phúc, trấn an, xoa dịu căng thẳng hiệu quả; đồng thời mang đến cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng.
Nguồn ảnh: Michal Vrba / Unsplash

Các bước thực hành Tắm rừng

Bước 1 – Thử tìm cho mình một người hướng dẫn

Việc thực hiện tắm rừng nói riêng khá  đơn giản. Tuy nhiên điều quan trọng hơn và cũng là khó khăn mà bạn thường gặp phải trong quá trình này đó là việc học cách sống chậm lại, điều chỉnh và “mở khóa” các giác quan. Do đó, Tìm kiếm một người hướng dẫn về phương pháp trị liệu Forest bathing là rất cần thiết. Họ sẽ là người giúp bạn hiểu rõ về các nguyên tắc cơ bản của tắm rừng, đặc biệt là hướng dẫn bạn tự xây dựng một cách thức thực hành hiệu quả. 

Trong những buổi Tắm rừng theo nhóm, người hướng dẫn sẽ khuyến khích bạn suy ngẫm và chia sẻ trải nghiệm của bản thân mình với các thành viên khác. Đây cũng là một trong những thực hành cốt lõi của Forest bathing. Thường thì cuối mỗi buổi tắm rừng, các thành viên trong nhóm sẽ ngồi lại để chia sẻ trải nghiệm của mình. Đồng thời người hướng dẫn cũng sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan. Đây là cơ hội để bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử phát triển và các cách thức thực hành Tắm rừng khác nhau.

Trong trường hợp bạn không tìm được người hướng dẫn, bạn cũng đừng lo lắng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc thực hiện theo hướng dẫn 7 bước mà Healthee chia sẻ ở dưới đây.

Bước 2 – Tìm hiểu những nguyên tắc chung

Nguồn ảnh: Han Mengqi / Unsplash

Để tận hưởng trọn vẹn cảm giác mà Shinrin-yoku mang lại, bạn nên lưu ý một số điểm sau: 

  • Hãy xem khu rừng như là một người bạn, thay vì là một không gian thực hành. Khi bạn thực sự mở lòng để kết nối với khu rừng, trải nghiệm của bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều. 
  • Cố gắng hướng ý thức của mình tới các cảm giác trên cơ thể. Hãy giữ tâm hồn mình thật đơn giản, bạn không cần phân tích, so sánh hay phán xét cảm giác cả.
  • Thời gian đi bộ lý tưởng nhất của bạn sẽ kéo dài từ hai đến bốn giờ. Thời gian này đủ để tâm trí và cơ thể của bạn chậm lại và trở nên thư giãn.
  • Bạn chỉ nên đi nửa dặm hoặc ít hơn, không nên đi quá xa. Điều quan trọng trong thực hành Tắm rừng là chú tâm vào hiện tại, thay vì lo nghĩ về đích đến.
  • Tắm rừng không phải là một hoạt động thể thao như chạy bộ, leo núi,… Nếu trong khoảnh khắc nào đấy bạn đang thấy bản thân bị đuối sức vì mệt, vận động quá nhiều thì hãy thử dừng lại một chút – thả lỏng, thư giãn, hít thở sâu rồi tiếp tục tận hưởng không gian thiên nhiên một cách chậm rãi.
  • Mặc dù bạn có thể tắm rừng trong bất kỳ môi trường tự nhiên nào, nhưng lý tưởng nhất là bạn nên đi bộ trong một môi trường nhiều cây cối, có suối và đồng cỏ. 
  • Đường đi Forest bathing nên là đường mòn để dễ đi bộ.
  • Hãy thử tắt các thiết bị điện tử để các giác quan của bạn được hòa vào thiên nhiên.
  • Mỗi người sẽ có một trải nghiệm Tắm rừng khác nhau. Nên đừng lo lắng nếu trải nghiệm của bạn không giống trải nghiệm của người khác. Thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào mỗi buổi tắm rừng, bạn hãy thử buông chúng đi mà thảnh thơi tận hưởng.

Bước 3 – Tìm một nơi thích hợp để Tắm rừng 

Bản chất của việc tắm rừng chính là để được bao bọc bởi thiên nhiên và cây cối. Khi đắm chìm trong không gian này, các giác quan của chúng ta được kích thích thông qua hương thơm, âm thanh và cảnh vật  xanh mát 

Không có một tiêu chí nào để đánh giá khu rừng nào là hoàn hảo cho việc tắm rừng. Việc lựa chọn địa điểm tùy thuộc vào ưu tiên, điều kiện của mỗi người.  

Các tiêu chí sau đây có thể giúp bạn tìm kiếm một nơi lý tưởng để tắm rừng:

  • Gần nhà: Khám phá những con đường mòn gần nhà để có thể dễ dàng tắm rừng nhiều lần và có thể thực hành vào tất cả các mùa trong năm.
  • Có chỗ ngồi: để nghỉ ngơi trong quá trình tắm rừng.
  • Đa trải nghiệm: một nơi tuyệt vời để thực hành tắm rừng là nơi mang tới bạn nhiều trải nghiệm khác nhau. Chẳng hạn như nơi có đồng cỏ bao la, có tàn rừng xanh bạt ngàn và có cả dòng suối chảy,…
  • Có nhiều âm thanh tự nhiên: Nếu có thể, bạn hãy tìm cho mình một nơi được ôm trọn duy chỉ bởi những thanh âm của thiên nhiên (tiếng suối róc rách, tiếng chim líu lo, tiếng gió xào xạc,…)

Bước 4 – Quan sát

Khi đã đến nơi, bạn hãy thử dừng lại một chút và từ từ quan sát mọi thứ:

  • Nơi bạn đang đứng. Hãy nhìn quanh một lượt và gọi tên những điều bạn thấy bên cạnh mình. Việc này sẽ giúp bạn ý thức rõ hơn về khoảnh khắc hiện tại, về việc mình đang ở đâu.
  • Cơ thể bạn. Cảm nhận cơ thể, quan sát những chuyển động, những cử chỉ đang diễn ra
  • Các giác quan của bạn. Bạn hãy thử nhắm mắt lại và đưa ý thức của mình tới các giác quan. Thử gọi tên các cảm giác trên làn da mình, những thanh âm xung quanh, cùng mùi hương của cỏ cây, hoa lá. Sau đó bạn hãy thở bằng miệng, và hướng ý thức của mình tới vị của không khí trên đầu lưỡi. Cuối cùng bạn từ từ mở mắt và để đôi mắt ôm trọn khung cảnh thiên nhiên quanh mình.

Bước 5 – Đi chậm rãi

Đi bộ chậm là một trong những phương pháp thực hành Forest bathing khá hiệu quả. Bạn hãy thử dành khoảng 15 phút đi bộ chậm rãi và chú ý đến những gì đang chuyển động trong khu rừng. Bạn có thể thấy rất nhiều những chuyển động của sự sống xung quanh mình – tán lá đang đung đưa theo gió, những chú chim đang chuyền cành, đám côn trùng đang bò trên đất, dòng nước đang chảy,… Và, bên trong cơ thể bạn cũng có thật nhiều chuyển động – đôi mắt nhấp nháy, trái tim đang đập, hơi thở đang đi vào, đi ra,… Nếu bạn bắt đầu cảm thấy mất tập trung, hãy dừng lại hoàn toàn và cố gắng hướng sự tập trung của mìnhn vào thứ gì gần đó nhất, để ý xem nó đang di chuyển như thế nào.

Bước 6 – Làm bạn với rừng

Bạn hãy thử tìm cho mình một cái cây, một hòn đá, hay bông hoa, hay bất kỳ thứ gì đó xung quanh mà bạn thấy thu hút. Rồi từ từ làm quen và trò chuyện với người bạn mới đó. Chia sẻ suy tư, câu chuyện và cả cảm xúc của bạn. Rồi cùng lắng nghe. Lúc này có lẽ trí tưởng tượng của bạn đang được kích hoạt, những kỷ niệm thuở bé ùa về, những ý tưởng mới được nảy ra,.. Hãy từ từ cảm nhận và kết nối với chúng như cách bạn chuyện trò cùng một người bạn mới của mình.

Bước 7- Ngồi lại (Sit Spot)

Khi bạn đã đi bộ được một quãng nhất định, và tận hưởng được từng khoảnh khắc, bạn có lẽ sẽ muốn ngồi lại một chút để cảm nhận sâu hơn không gian xung quanh. Hãy tìm một chỗ lý tưởng và ngồi lại quan sát mọi điều đang diễn ra – bên trong và ngoài bản thân mình. 

Đây còn được gọi là kỹ thuật “Sit spot”. “Sit Spot” là một thực tập chánh niệm trong đó người thực tập chọn cho mình một địa điểm cụ thể trong thiên nhiên để ngồi lại, chú tâm quan sát, lắng nghe và kết nối với mẹ thiên nhiên. Thông qua đó, giúp mình hiểu hơn về bản thân, về những người xung quanh và về thế giới tự nhiên hoang dã. “Sit Spot” khi được thực hành cùng Tắm rừng sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo để mang tới trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Nguồn ảnh: Sidath vumukthi / Unsplash

Bước 8 – Bày tỏ lòng biết ơn

Một điều không thể thiếu trong thực hành Tắm rừng là việc bày tỏ lòng biết ơn tới mẹ thiên nhiên và xây dựng tinh thần cho đi – nhận lại. Điều này giúp ta thắt chặt mối quan hệ giữa bản thân và thế giới tự nhiên, đồng thời qua đó nâng cao nhận thức về môi trường ta đang sống. 

Việc này bạn có thể thực hành như một phần cuối của buổi Tắm rừng hoặc có thể ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào… Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:

  • Gửi lời biết ơn tới thiên nhiên hay kể cả những đồ vật xung quanh mình. Chẳng hạn như bạn biết ơn cái cây vì cây cho bóng mát, cho bạn chỗ để nghỉ ngơi,…
  • Trao gửi một cử chỉ hay một món quà cho mẹ Đất – như bài ca/ lời nhắn viết tặng thiên nhiên (bạn có thể đặt nó ở nơi mà chỉ mẹ Đất có thể đọc được)

Hi vọng bài viết này giúp bạn hiểu thêm về liệu pháp Tắm rừng và cách thực hành Tắm rừng hiệu quả. Và bạn biết không, chúng ta không cần phải đi vào rừng sâu mới có thể tắm rừng. Chỉ cần đặt điện thoại xuống, xỏ đôi giày quen thuộc vào chân và bước ra công viên gần nhà, hòa mình vào thiên nhiên. Thử bỏ mọi thứ ra khỏi đầu, lắng nghe tiếng gió xào xạc, ngắm chú chim nhỏ trên cành cây, hít hà bầu không khí trong lành hiếm hoi giữa thành phố xô bồ, cảm nhận làn gió mát mơn man da thịt. Và vậy là chúng ta đang thực hành Tắm rừng rồi đó.


Tài liệu tham khảo:

  1. M. Amos Clifford (2018). Association of Nature & Forest Therapy. Guides & Programs
  2. Susan Abookire, BSEE, MD, MPH, FACP (May 29, 2020). Can forest therapy enhance health and well-being? Harvard Health Publishing
  3. Hugh Asher (Jan 02, 2022). Sit Spot and Nature-Connection

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *