unrecognizable person near lemons and bell peppers
Dinh dưỡng

Làm thế nào để bảo quản rau, củ, quả tươi lâu?

Rau củ quả và trái cây có vai trò quan trọng trong một chế độ ăn cân bằng. Một chế độ ăn uống giàu các loại rau củ quả sẽ làm giảm nguy cơ mắc những bệnh như tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp và một số loại ung thư nhất định. 

Tuy nhiên, theo quan sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại những nước kém phát triển hơn, các loại rau củ quả thường- không được đóng gói hay đóng gói sơ sài và vận chuyển trên loại xe tải không có máy đông lạnh. Năm 2019, số lượng rau củ quả hư hỏng chỉ tính trong quá trình vận chuyển lên đến 25% tại các nước thuộc vùng Trung và Nam Á.

Rau củ quả nếu không được xử lý đúng cách có thể chứa các mầm bệnh lây truyền có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, hương vị, kết cấu và hình dạng của chúng cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chúng không được bảo quản đúng cách. Vì vậy, để có thể thưởng thức những loại rau củ quả tươi ngon thì cách làm sạch và bảo quản chúng cũng quan trọng không kém

Các phương pháp bảo quản rau củ quả thông dụng

Phương pháp bảo quản lạnh

Bảo quản lạnh là phương pháp làm giảm nhiệt độ của thực phẩm, làm chậm quá trình sinh lý, sinh hóa và trao đổi chất của sản phẩm, ngăn ngừa sự phát triển gây hại của sinh vật. Đây là phương pháp có thể dùng để bảo quản rau quả tươi dài ngày

Có hai chế độ bảo quản lạnh cho rau củ quả.

  • Chế độ bảo quản lạnh mát: Hoa quả nói riêng và các loại rau củ nói chung cần được bảo quản ở nhiệt độ 0-15 độ C tùy từng loại. Quá trình này giúp chúng luôn tươi sạch và giảm thiểu tỷ lệ bị hư hỏng do các yếu tố bên ngoài. Ưu điểm của phương pháp bảo quản lạnh mát là giữ được giá trị cảm quan và dinh dưỡng của rau quả. Tuy nhiên một số vi sinh vật chịu lạnh vẫn có thể tồn tại và gây hư hỏng nếu bảo quản dài ngày.
  • Chế độ bảo quản lạnh đông: Thời gian bảo quản lạnh đông thường lâu hơn nhiều so với phương pháp bảo quản lạnh mát. Đông lạnh có thể làm thay đổi kết cấu tự nhiên của các loại rau củ quả, tuy nhiên việc cấp đông sẽ giúp bảo quản mùi vị, chất dinh dưỡng và những ích lợi sức khỏe của chúng. Tốt nhất nên đông lạnh rau củ quả trong ngăn kín gió và hạn chế đông lạnh những loại rau củ và hoa quả khi chúng chưa chín bởi chúng có thể không chín được nữa sau khi lấy ra khỏi ngăn đông.
assorted fruits and vegetables in refrigerator
Photo by Polina Tankilevitch on Pexels.com

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát

Bảo quản rau quả ở điều kiện thường là dựa vào nguyên lý bảo tồn sự sống của rau củ quả. Thời hạn bảo quản phụ thuộc vào đặc tính sinh học của từng loại rau quả khác nhau. Với phương pháp này, rau củ quả được giữ nguyên trạng thái tươi sống bình thường mà không cần tác động bất cứ giải pháp xử lý nào. Phương pháp này thường áp dụng để bảo quản rau, quả trong thời gian ngắn.

Thực tế, có nhiều – loại rau củ quả thích hợp được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát hơn thay vì để trong tủ lạnh, ví dụ: cà chua, chuối, khoai tây, chanh. Cụ thể, cà chua sẽ mất hương vị và chất dinh dưỡng nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Trái cây nguyên quả thường không cần bảo quản trong tủ lạnh, tuy nhiên, việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chúng và giữ chúng tươi lâu hơn.

Một số lưu ý khi bảo quản rau củ quả

Không bảo quản chung trái cây và rau củ

Khi trái cây, rau và hoa trưởng thành, khí ethylene được giải phóng để thúc đẩy quá trình chín trái. Tuy nhiên, trái cây lại tiết ra khí ethylene nhiều hơn các loại rau xanh dẫn đến rau sẽ chín sớm hơn nếu để gần trái cây. Vậy nên một quy tắc quan trọng là không bảo quản rau củ và hoa quả ở cùng một nơi.

Chỉ rửa sạch rau trước khi ăn

Rau củ và hoa quả có thể hư, hỏng nhanh hơn trong điều kiện ẩm ướt, vì vậy tốt nhất bạn nên bảo quản và chỉ đem đi rửa sạch trước khi ăn. Với một số loại rau củ quả cần được rửa sạch trước khi bảo quản thì bạn hãy nhớ lau khô nước nhé.

Phân loại rau khi bảo quản

Mỗi loại rau có những đặc điểm khác nhau về dinh dưỡng và kích thước. Có loại rau lại chỉ để được trong thời gian ngắn. Nếu chúng được đặt cạnh nhau, rau héo trước sẽ khiến những loại rau còn lại bị hỏng theo. Bạn nên phân loại cụ thể rau, củ và cho vào túi riêng trước khi cho vào tủ lạnh.

Rau củ quả cũng nên được bảo quản riêng biệt với thịt sống hay thực phẩm từ sữa để hạn chế dính các loại vi khuẩn có hại.

Bọc rau trong túi zip hoặc hộp có nắp kín

Để rau củ quả tươi lâu thì bạn nên cho chúng vào túi zip nhựa, túi silicon hoặc hộp đựng kín để ngăn sự thoát hơi nước, duy trì độ ẩm cao, giúp rau củ không bị khô héo.

Cách bảo quản một số loại rau củ quả phổ biến

Cách bảo quản rau củ

  • Bông cải xanh và súp lơ: nơi tốt nhất để bảo quản bông cải xanh và súp lơ là trong tủ lạnh, nhưng giống như các loại rau họ cải khác, chúng cần được giữ trong môi trường thoáng khí. Vì thế bạn nên giữ chúng trong một túi nilon đã được làm thủng vài lỗ tạo khả năng thoáng khí rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Cà tím: bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ phòng; bảo quản cà tím trong tủ lạnh có thể làm nó hư hỏng nhanh hơn. Cà tím là một loại quả dễ bị nhiễm khí ethylene, do đó nên để xa các loại rau củ quả có nồng độ ethylene cao như táo, mơ, chuối, xoài, cam…
  • Dưa chuột: dưa chuột được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ phòng hơn là trong tủ lạnh. Chúng cũng rất nhạy cảm với ethylene và không nên để chung với chuối, cà chua,..
  • Măng tây: thời gian giữ độ tươi của măng tây thấp hơn hầu hết các loại rau khác vì vậy cần lưu ý cắt 1 đoạn phần gốc trước khi bảo quản. Phần măng tây giữ lại chế biến cần được bọc lại bằng khăn giấy sau đó đem bỏ vào túi zip bịt kín rồi mới bỏ vào tủ lạnh.
  • Cà rốt: bọc cà rốt chưa gọt vỏ, chưa rửa trong khăn giấy khô và bỏ chúng trong hộp hoặc túi đựng thực phẩm kín khí sau đó giữ trong ngăn mát tủ lạnh. Cà rốt có thể để được từ hai đến ba tháng trong tủ lạnh nếu được bảo quản đúng cách.
  • Gừng: để giúp gừng tươi lâu hơn, bạn hãy đặt gừng trong hộp bảo quản thực phẩm kín khí hoặc túi nhựa kín, sau đó cất vào ngăn đựng rau quả (crisper) trong tủ lạnh.
  • Tỏi và hành tây: cách đơn giản để bảo quản tỏi và hành tây tươi là để chúng ở nhiệt độ phòng trong túi lưới. Tỏi và hành tây được bảo quản tốt nhất ở những nơi tối và khô ráo. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản chúng là khoảng 15–18°C với độ ẩm ở mức nhẹ.
  • Các loại rau thơm (rau mùi, bạc hà, húng quế,…): cắt bỏ phần gốc và đặt chúng trong bình nước (như cách bạn cắm hoa). Với cách này bạn có thể giữ rau tươi ở nhiệt độ phòng trong tầm một tuần. Để bảo quản lâu hơn, bạn có thể bọc rau trong một chiếc khăn giấy ẩm rồi bỏ vào hộp đậy kín hoặc túi zip, sau đó giữ trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Các loại củ như khoai tây, khoai lang, bí đỏ nên được bảo quản ở nơi tối, khô ráo, thoáng mát như nhà bếp, tủ đựng.
flatlay photo of vegetables on the table
Photo by Karolina Grabowska on Pexels.com

Cách bảo quản hoa quả

Khác với rau củ, các loại hoa quả khác nhau sẽ có một số lưu ý khác nhau khi bảo quản chúng. Ví dụ như:

  • Táo: các loại táo giải phóng nhiều khí etylen vậy nên hãy bảo quản chúng cách xa những loại ra các loại rau củ quả khác. Táo có thể giữ được hơn 1 tuần trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ thường, nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Bơ: hãy để ở nơi thoáng mát cho đến khi chúng chín sau đó đem bảo quản trong tủ lạnh.
  • Chuối: treo chuối còn xanh lên cao hoặc để ở nơi thoáng mát cho đến khi chuối chín.
  • Các loại quả mọng như việt quốc, dâu tằm, dâu tây và quả mâm xôi chỉ nên rửa trước khi ăn, hãy để chúng khô ráo trong hộp và cất vào tủ lạnh.
  • Quả cherry và nho: nên để khô ráo trong túi nhựa, hộp nhựa và chỉ đem đi rửa trước khi ăn.
  • Hoa quả có múi như quýt, bưởi, chanh,.. có thể giữ lâu bằng cách bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Dưa: dưa lưới và dưa ngọt nên bảo quản trong tủ lạnh, dưa hấu nên để ở nơi tối, khô ráo và để xa các loại thực phẩm khác, dưa hấu sau khi cắt nên để trong hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh.
  • Các loại quả hạch như quả xuân đào, đào và mận nên để trong túi giấy và đặt trên mặt tủ thoáng mát cho đến khi -chín sau đó có thể giữ chúng tươi lâu thêm một vài ngày nữa trong tủ lạnh.
  • Cà chua: luôn luôn để cà chua ở nhiệt độ phòng bởi vì tủ lạnh có thể làm chúng thối rữa nhanh, nên giữ cà chua trong rổ tránh ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao.

Hy vọng sau bài viết trên đây các bạn đã có thể tìm hiểu thêm một số cách khác nhau để bảo quản được các loại rau củ và hoa quả được tươi lâu hơn. Nhờ đó, các bạn sẽ có thể có thêm thời gian để thưởng thức những loại rau củ quả và những món ăn, thức uống ngon miệng được làm từ chúng! Nếu các bạn có những mẹo vặt bảo quản rau củ quả khác, đừng ngại chia sẻ với chúng mình ở trong phần bình luận bên dưới nhé!


Tài liệu tham khảo

  1. Healthline (15.06.2016), Fruits and vegetables safety.
  2. Heidi Hackler (16.09.2019), What vegetables vegetables and fruits should we refrigerate?, Chopra. 
  3. American Heart Association (1.2015), Keep fruits and vegetables fresher and longer
User Avatar
there's an immense universe inside my head

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *