multiracial students gossiping about black man with notepad
Quản lý cảm xúc Sức khoẻ tinh thần

Làm thế nào để ngưng thói quen phán xét?

Sự phán xét có thể xuất hiện trong bất kỳ tình huống nào, từ bất kỳ một cá nhân nào đó và ở bất cứ đâu. Chúng hiện hữu ngay trên mạng internet cho đến trong đời sống hằng ngày. 

Đây là một hành vi tiêu cực vì nó gây ảnh hưởng đến sự vật, sự việc, người bị phán xét và cả người phán xét. Vậy làm sao để biết chúng ta có đang vô tình phán xét mọi thứ xung quanh hay không? Hãy cùng heal.thee “mổ xẻ” loại hành vi này nhé.

Bản chất của phán xét là gì?

Phán xét là một hành vi chê bai, chỉ trích xuất phát từ suy nghĩ, lời nói, cách cư xử của chúng ta khi cảm thấy không hài lòng về một đối tượng, sự việc nào đó. Người phán xét thường chỉ ra và phê phán những điểm xấu về sự vật, sự việc đó kể cả khi hoàn toàn không biết hoặc hiểu rõ về chúng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt giữa phán xét (judgment) và đánh giá (assessment). Đánh giá là một phát biểu về sự kiện hay sự vật với tâm thế trung lập và khách quan, mang tính quan sát và khám phá, dựa trên những gì mình nghe, thấy, và cảm nhận được. Trong khi đó phán xét là một phát biểu dựa trên ý kiến cá nhân, mang tính chủ quan, cảm tính và tự thị. Khi phán xét, người nói thường đặt mình ở vị trí cao hơn và luôn cho rằng bản thân đúng và người khác sai.

Bạn có phải là người hay phán xét?

Đôi khi, một người có thể rất hay phán xét, và họ làm điều đó rất tự nhiên mà không hề nhận ra. Bởi những hành vi hay thái độ phán xét này thường đã ăn sâu vào phần vô thức của họ. Vậy biểu hiện của người thích phán xét là gì? Liệu chúng ta có mắc phải những tính cách đó không? 

Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến của một người có thói quen phán xét:

  • Luôn chỉ trích thái quá
  • Dễ dàng đưa ra các kết luận tiêu cực mà không có hoặc không biết đầy đủ thông tin
  • Nhìn thế giới bằng định kiến ​​cá nhân
  • Thiếu sự đồng cảm với người khác
  • Hạ thấp người khác để cảm thấy bản thân vượt trội và tốt hơn
  • So sánh mình với người khác
  • Thường ở trong trạng thái tiêu cực, bi quan
  • Luôn tin rằng thế giới chỉ có hai kiểu người, hoặc là “xấu”, hoặc là “tốt”
  • Thường không thấy được/ không trân trọng những giá trị tốt đẹp ở người khác
  • Luôn hoài nghi, không tin tưởng người khác
  • Cảm thấy khó chịu khi người khác không thích/ hài lòng về mình

Tại sao chúng ta có thói quen phán xét?

Chúng ta cảm thấy bất an, thiếu tự tin

Thế giới xung quanh là tấm gương phản chiếu chính chúng ta và việc đánh giá ai đó không định nghĩa họ là ai – mà nó định nghĩa chúng ta là ai. Thông thường, những điều chúng ta ghét và phán xét ở người khác lại phản ánh những điều chúng ta không thể chấp nhận về bản thân mình. Do đó, những người thường xuyên phán xét thường là những người luôn cảm thấy bất an và thiếu hụt tình yêu thương, từ bi với chính mình.

Ví dụ, bạn khá nhút nhát và gặp một người rất hoạt bát, quảng giao. Phán xét của bạn có thể như sau: “Thật là một sự phô trương. Họ rất ồn ào và đáng ghét”. Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi hành động giống họ, và đó có thể là biểu hiện của mặc cảm và/hoặc lòng tự trọng thấp. Vì không hài lòng với những khía cạnh đó của bản thân, nên bạn có xu hướng nhắm mục tiêu vào những người khác để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn.

photo of a woman covering her face with her hand
Photo by Deeana Arts on Pexels.com

Môi trường giáo dục đầy phán xét và chỉ trích

Những người được nuôi dạy bởi cha mẹ hoặc trong một môi trường thường xuyên có sự phán xét, chỉ trích, chế giễu và mắng mỏ, thường có xu hướng phát triển các kiểu hành vi tương tự. Trẻ em luôn học, bắt chước những gì chúng nghe thấy, do vậy kiểu bắt chước xã hội đó có thể tiếp tục cho đến khi chúng trưởng thành.
Với nhiều người khác, có thể khi còn nhỏ, họ đã được học rằng việc phạm sai lầm, dễ bị tổn thương là điều không thể chấp nhận được. Hoặc có thể họ đã bị tổn thương hoặc bị bỏ rơi về mặt cảm xúc khiến cho việc đồng cảm với trải nghiệm và quan điểm của người khác trở nên vô cùng khó khăn. Chính điều này khiến họ trở nên hay phán xét hoặc có thói quen đổ lỗi.

Cố chấp với ý kiến ​​​​và cảm xúc cá nhân hơn là những quan điểm trung lập

Nếu bạn để ý, ngày nay, có rất nhiều người cố chấp, đặc biệt là trên không gian mạng. Họ luôn thể hiện rằng bản thân họ đang cảm thấy bị xúc phạm khi bất kỳ ai đó có ý kiến ​​​​ trái ngược với ý kiến ​​​​của họ. Một số người thậm chí còn cho rằng họ đã bị tổn thương hoặc bị “tấn công” bởi những người không cùng quan điểm. Họ cũng có thể lôi kéo cả các vòng tròn kết nối xã hội của mình để bịt miệng hoặc trừng phạt người dám làm họ cảm thấy tồi tệ.

Loại hành vi này cực kỳ độc hại, vì nó cản trở tự do tranh luận. Những người với góc nhìn chủ quan sẽ cho rằng mình đúng và còn lại đều sai thay vì tôn trọng quan điểm, ý kiến của những người khác. Do đó, họ trở nên phòng thủ và hung hăng nếu những người khác không đồng ý hoặc có lập trường khác với họ.

Do ta sợ hãi

Thông thường, chúng ta sợ bị người khác đe dọa, bắt nạt, nên có xu hướng ra tay trước. Chẳng hạn như nhân viên tụ tập để nói xấu sếp. Hay khi một người phụ nữ thấy người phụ nữ khác xinh đẹp và duyên dáng hơn, thì thường người xinh đẹp hơn sẽ bị nói xấu. Lúc này hành vi/ thái độ phán xét được xem như một cơ chế tự vệ tâm lý (defense mechanism). 

Cơ chế tự vệ tâm lý là những phản ứng tâm lý vô thức giúp bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa và những thứ ta không muốn nghĩ đến hoặc đối mặt.

Ghen tị với người khác

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thói quen phán xét có thể là do ta ghen tị với thành công hay khả năng của người khác. Khi thấy người khác tốt hơn mình, ta có xu hướng bới móc lỗi lầm, khuyết điểm của họ để né tránh cảm giác kém cỏi, mặc cảm.  Hay  như khi thấy ai đó mua những món đồ đắt tiền hoặc đạt được những thành tích nhất định, thay vì nhìn nhận công sức, nỗ lực mà họ đã bỏ ra để đạt được nó thì ta lại cho rằng họ có được những điều đó là nhờ người khác giúp đỡ, nhờ sự may mắn,…

Ảnh hưởng tiêu cực của thói quen phán xét

Việc liên tục có những hành động chê bai, phán xét mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho chính mình và cho những người xung quanh. 

Một số tác hại của việc phán xét là:

  • Ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ đã, đang và sẽ có trong tương lai
  • Luôn tập trung vào những mặt tiêu cực của mọi việc, làm giảm chất lượng cuộc sống
  • Gia tăng sự căng thẳng, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe tinh thần và thể chất
  • Cản trở sự phát triển bản thân 

Làm thế nào để hạn chế hoặc ngừng phán xét?

Ý thức được rằng mình đang phán xét

Bước đầu tiên để ngưng phán xét là ý thức được rằng mình đang phán xét. Để ý thức được điều này, chúng ta cần chú ý và quan sát những suy nghĩ của bản thân. Mỗi khi bắt gặp bản thân đang có thái độ phán xét ai hay điều gì, bạn hãy dừng lại và tự hỏi chính mình là tại sao mình lại muốn phán xét họ. 

Một số suy nghĩ mang chiều hướng phán xét để bạn nhận diện như:

  • Cậu ấy nên làm… thay vì…
  • Cô/ cậu/ anh ta thật là….
  • Nếu là mình, mình sẽ không làm vậy
  • Tại sao anh/ cô ta lại cư xử như vậy

Đặt câu hỏi về các giả định của bạn

Nếu bạn có cái nhìn tiêu cực về ai đó, hãy suy nghĩ và tự hỏi những điều đó dựa trên cơ sở nào. Các quan điểm đó có xây dựng dựa trên sự thật? Bạn đã có đầy đủ các thông tin liên quan chưa?

Hãy cố gắng thu thập tất cả các nguồn thông tin có thể trước khi vội vàng đi đến kết luận. Nếu không có đủ thông tin xác thực, bạn hãy thử không nói gì hoặc chỉ đưa ra ý kiến trung lập.

Ngừng áp đặt tiêu chuẩn của bản thân lên người khác

Mỗi người trong chúng ta đều có những thành kiến nhất định. Và chúng ta luôn có nhiều cách để dồn người khác vào nhận định của mình và đưa ra giả thuyết về họ dựa trên khuôn mẫu hoặc định kiến ​​văn hóa. Hãy cố gắng nhìn nhận những thành kiến ​​​​và tiêu chuẩn của mình để có thể hiểu rằng  kinh nghiệm sống và quan điểm của chúng ta về cuộc sống vẫn còn nhiều  hạn chế – Đồng thời chấp nhận rằng những người đến từ nhiều nơi, với nhiều nền văn hóa, xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, sắc tộc khác nhau có thể không có cùng quan điểm với mình. Hãy luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của họ và xem xét mọi thứ từ khía cạnh của họ để có thêm những góc nhìn đa chiều.

Thực hành bao dung với người khác

Thực hành bao dung, đồng cảm và thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người, ngay cả khi họ có vẻ ngoài, suy nghĩ, phong cách, lối sống, cách giao tiếp hoặc hành động khác với bạn. 

Đồng cảm với người khác là khi ta rung cảm trước những vui buồn của người khác, đau khổ trước khó khăn của họ; hay nói cách khác cảm thấy cùng một cảm xúc với họ. Đồng cảm cũng là khi ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và nhận thức được những điều họ đang trải qua, những điều đã tạo nên con người họ, câu chuyện đằng sau những hành vi, xử sự của họ. Khi đồng cảm với người khác, thay vì có thái độ phán xét hay trách cứ họ chúng ta sẽ thấu hiểu và vị tha, bao dung hơn. 

person holding a stress ball
Photo by Matthias Zomer on Pexels.com

Mở rộng tầm nhìn

Luôn sẵn sàng mở rộng tầm nhìn và cởi mở với những ý tưởng và quan điểm mới. Gặp gỡ những người bạn mới và tìm hiểu về cuộc sống của họ. Trải nghiệm nhiều hoạt động hơn và thử các món ăn mới. Đọc nhiều sách và đi du lịch, khám phá nhiều hơn. Những hoạt động này sẽ giúp bạn có tâm trí cởi mở, phóng khoáng và sẵn lòng đón nhận những quan điểm/ hành vi khác với mình.

Thực hành lòng biết ơn và luôn giữ tâm hồn an vui 

Hãy dành vài phút mỗi tối để liệt kê những điều tốt đẹp đã xảy ra trong ngày và bày tỏ lòng biết ơn về tất cả những điều mà bạn được nhận và đang có. Bạn có thể thực hành bài tập này trong tâm trí hoặc có thể ghi lại vào nhật ký hoặc thực hành nó với một người thân yêu của bạn. Việc thực hành lòng biết ơn sẽ giúp ta trân quý cuộc sống, trân quý mọi trải nghiệm làm người, trân quý mọi cuộc gặp gỡ trong đời. Để từ đó ta nhận ra rằng, những người ta gặp, dù có mang tới ta trải nghiệm tích cực hay tiêu cực, dù ta có yêu hay ghét thì vẫn luôn dạy ta nhiều bài học đáng giá. Một tâm hồn tràn ngập lòng biết ơn sẽ cảm thấy yêu đời, yêu người và yêu bản thân mà không phán xét.

Đối phó với những người hay phán xét

Bên cạnh việc thực hành để hạn chế thói quen chê bai, chỉ trích thì ở đâu đó chúng ta lại phải nhận sự phê phán từ người khác. Vậy làm thế nào để đối phó với những lời phán xét? Cách xử lý trong những tình huống ấy là gì?

  • Đừng bận tâm đến những lời nói hoặc hành vi chỉ trích
    Có thể nhận thấy rằng những người thích phán xét không chỉ tấn công riêng một cá nhân nào mà họ còn chỉ trích tất cả mọi người xung quanh. Hãy học cách phớt lờ,không để tâm đến mọi lời phán xét vì chúng sẽ chỉ làm chúng ta suy sụp hơn.
  • Quan tâm đến những người yêu thương và ủng hộ bạn
    Đừng lãng phí thời gian chôn vùi vào những lời chê bai, phán xét tiêu cực và không đáng tin cậy của ai đó, thay vào đó hãy – dành thời gian và nguồn năng lượng tích cực cho những người xứng đáng, những người luôn nhìn thấy điều tuyệt nhất ở bạn.
  • Nói lời cảm ơn và chuyển chủ đề cuộc nói chuyện
    Nếu một người nào đó liên tục đưa ra các nhận định tiêu cực, hãy nói cảm ơn để thể hiện rằng mình đang đón nhận những lời nói đó, điều này sẽ giúp bạn vừa giữ lịch sự vừa cho thấy rằng bạn không còn muốn tham gia vào cuộc tranh luận này nữa. Bạn có thể đổi đề tài ngay sau đó để ngăn cản người đó quay lại chủ đề cũ. Việc chủ động thay đổi cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn kiểm soát và ngăn các vấn đề bị đẩy đi quá xa.
  • Rời đi
    Khi nhận thấy dấu hiệu của sự chỉ trích, nếu có thể, bạn hãy rời đi và tìm cho mình một khoảng không khác, khôi phục tinh thần sau “trận chiến” căng thẳng, ồn ào kia. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể bày tỏ vấn đề của mình cho một  người cố vấn hoặc bạn bè để được giúp đỡ và hỗ trợ.

Mỗi khi tiếp nhận một sự việc, thông tin nào đó, ta hãy chậm lại một nhịp, xem xét vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau để có thể đưa ra quan điểm trung lập, tránh vội vàng đi đến kết luận. Từ bỏ thói quen chê bai, phán xét cũng chính là góp phần xây dựng cho bản thân một lối sống tích cực, ôn hòa, đồng thời là nền tảng cho một môi trường văn minh, lành mạnh trong cộng đồng, xã hội.


Tài liệu tham khảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *