Dinh dưỡng

5 chế độ ăn lành mạnh, thân thiện với môi trường

Đã bao giờ bạn tự hỏi những gì chúng ta ăn và hoạt động sản xuất thực phẩm đó ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta thì chúng còn ảnh hưởng như thế nào đến môi trường không?

Theo Harvard T.H. Chan School of Public Health, sản phẩm nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, phá rừng và sa mạc, đồng thời gây thiệt hại cho các đại dương và rạn san hô ven biển.

Vậy chế độ ăn uống của bạn có đang tác động tiêu cực đến môi trường không? Sau đây, hãy cùng heal.thee điểm qua 5 chế độ ăn lành mạnh cho sức khỏe và tác động của chúng đối với môi trường nhé!

Thực phẩm ảnh hưởng tới môi trường như thế nào?

Biểu đồ minh họa dưới chỉ ra lượng khí thải khí nhà kính (GHG) từ 29 loại thực phẩm khác nhau – từ thịt bò ở đầu đến hạt hạnh nhân ở dưới cùng. Đối với mỗi loại thực phẩm, bạn có thể biết được khí thải bắt đầu từ giai đoạn nào trong chuỗi cung ứng, từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở bên trái, qua vận chuyển và đóng gói bao bì ở bên phải.

Biểu đồ số liệu này được lấy từ nghiên cứu của Joseph Poore và Thomas Nemecek, được công bố trong tạp chí Science (2018). Họ đã thực hiện phân tích toàn cầu trên hơn 38,000 trang trại thương mại ở 119 quốc gia để đo lường ảnh hưởng của việc sản xuất thực phẩm đến môi trường.

Bạn có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa các loại thực phẩm về lượng phát thải khí nhà kính tính trên mỗi kilogram sản phẩm. Cụ thể, thực phẩm từ động vật, đặc biệt là thịt đỏ, sữa và tôm nuôi, thường liên quan đến lượng khí thải nhà kính cao nhất.

Điều này là do:

1. Sản xuất thịt, chăn nuôi động vật đòi hỏi những đồng cỏ rộng lớn dẫn đến việc chặt cây, phá rừng, giải phóng carbon dioxide được lưu trữ trong rừng.

2. Bò và cừu thải ra khí mê-tan khi chúng tiêu hóa cỏ và cây cối.

3. Chất thải của gia súc trên đồng cỏ và phân bón hóa học được dùng cho cây trồng để làm thức ăn cho gia súc thải ra oxit nitơ, một loại khí nhà kính mạnh khác.

4. Các trang trại nuôi tôm thường chiếm các vùng đất ven biển vốn được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nơi hấp thụ một lượng lớn carbon. Các lượng khí thải carbon lớn được giải phóng vào khí quyển khi rừng ngập mặn bị đốn hạ để tạo ra các trang trại nuôi tôm.

Việc lựa chọn thực phẩm cho mỗi bữa ăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Vậy ăn thế nào, và gì để bớt gây hại cho môi trường, cho mẹ Đất?

(Nguồn ảnh: un.org | Food and Climate Change: Healthy diets for a healthier planet)

Một số chế độ ăn lành mạnh, thân thiện với môi trường

Do tác động đến khí hậu của thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường nhỏ hơn từ 10 đến 50 lần so với tác động của các sản phẩm động vật, nên việc chuyển từ chế độ ăn chủ yếu là thịt sang chế độ ăn chay hoặc thuần chay có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính.

Biểu đồ dưới đây cho thấy tiềm năng “tiết kiệm khí nhà kính” từ việc áp dụng các chế độ ăn khác nhau trên toàn cầu. Phân tích này xuất phát từ một báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), một nhóm nghiên cứu độc lập gồm các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới. Các thuật ngữ được định nghĩa bởi CarbonBrief.

Chế độ thuần chay (Vegan Diet)

Đây là chế độ ăn không ăn thịt động vật, không sử dụng bất kì một sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật hoặc lạm dụng sức lao động của động vật.

Những sản phẩm mà người theo chế độ thuần chay không dùng:

  • Thịt, cá, trứng, sữa,…
  • Mật ong
  • Lụa – vì lụa được làm ra bởi con tằm
  • Đồ da – vì nó thường được làm từ da của các loài động vật
  • Đồ len – vì nó có thể được làm từ lông của các loài động vật
  • Các loại mỹ phẩm và sản phẩm khác mà nhà sản xuất thử nghiệm trên động vật

Ưu điểm: Theo báo cáo năm 2022 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, chế độ ăn thuần chay mang lại lợi ích đáng kể cho môi trường và sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay phát thải ra khí nhà kính thấp nhất trong số các chế độ ăn được nghiên cứu. Hana Kahleova, MD, PhD, giám đốc nghiên cứu lâm sàng của Ủy ban Bác sĩ về Y học có trách nhiệm ở Washington, DC chia sẻ: “Nghiên cứu này cho thấy chế độ ăn thuần chay là chế độ ăn thân thiện với môi trường nhất”. Cô nói thêm rằng việc hạn chế cá trong bữa ăn có thể giúp khắc phục tình trạng suy giảm lượng cá trên thế giới và gia tăng sự đa dạng sinh thái trong đại dương. Theo một nghiên cứu khác, việc chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật cũng có thể tiết kiệm gần 1/3 chi phí mua hàng của bạn.

Nhược điểm: Một trong những rào cản của chế độ ăn này là khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm thuần chay. Chế độ ăn chay có vẻ ít tốn kém hơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Vì một số thực phẩm có thể không có hoặc không được trồng ở địa phương bạn dẫn đến khan hiếm hoặc đắt hơn những lựa chọn không tốt cho sức khỏe khác.

Đọc thêm: Làm thế nào để bảo quản rau, củ, quả tươi lâu?

Chế độ ăn chay (Vegetarian Diet)

Vegetarian diet cũng là chế độ chay nhưng sẽ chỉ tránh ăn thịt và cá, ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và không khắt khe như chế độ ăn thuần chay. 

Ưu điểm: Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy việc loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn uống của một người có thể giảm đến 34% lượng khí thải nhà kính. Trên thực tế, một nghiên cứu khác cho thấy chế độ ăn không thịt có thể làm giảm chỉ số tiêu thụ nước trực tiếp và gián tiếp của một người khoảng 55%. 

Nhược điểm: Việc ăn những thực phẩm giống nhau quanh năm, chế độ ăn chay của bạn có thể không thực sự tốt như bạn nghĩ. Theo ông Wesley McWhorter, DrPH, RDN, giám đốc Lifestyle Medicine tại Suvida Healthcare, một số loại thực phẩm chỉ có theo mùa và khi ăn những thực phẩm trái mùa sẽ làm gia tăng vận chuyển thực phẩm đến địa phương bạn, từ đó ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, bạn cần phải lên kế hoạch cho bữa ăn phù hợp với các loại thực phẩm địa phương hiện có và theo mùa hoặc trồng một khu vườn ở sân sau cũng là một ý kiến không tồi.

Chế độ ăn kiêng linh hoạt (Flexitarian Diet)

Tên gọi Flexitarian là sự kết hợp của 2 từ flexible (linh hoạt) và vegetarian (chế độ ăn chay). Chế độ ăn linh hoạt khuyến khích ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại hạt, đậu, trái cây và rau quả, đồng thời vẫn ăn thịt, cá, sữa và các sản phẩm từ động vật một cách vừa phải. So với chế độ ăn thuần chay, chế độ ăn linh hoạt sẽ dễ dàng thực hiện hơn cho những ai muốn sử dụng sản phẩm thực vật nhưng không muốn loại bỏ hoàn toàn thịt trong bữa ăn hằng ngày.

Ưu điểm: Ưu điểm của chế độ này là không cần phải loại bỏ thịt hoàn toàn mà chỉ cần giảm lượng ăn và sử dụng các nguồn thực vật nhiều hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực đến môi trường.

Nhược điểm: Vì các sản phẩm từ động vật vẫn được tiêu thụ nên chế độ ăn linh hoạt chưa hẳn là thân thiện với môi trường so với các chế độ ăn chay và thuần chay.

Chế độ DASH (DASH Diet)

Tuy không nằm trong biểu đồ phân tích tác động của các chế độ ăn lên môi trường mà IPCC nghiên cứu, DASH vẫn được xem là một trong những chế độ ăn lành mạnh và tốt cho môi trường. Chế độ ăn kiêng DASH giúp làm giảm mức cholesterol trong cơ thể nhờ tiêu thụ các loại thực phẩm ít natri và giàu kali, magie và canxi như sữa ít béo, rau, trái cây, cá, thịt nạc, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt đồng thời hạn chế thịt đỏ và đường.

Ưu điểm: Terri Brownlee, MPH, RDN, giám đốc dinh dưỡng và sức khỏe của Công ty quản lý Bon Appétit nói rằng việc tập trung vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ ít gây tác động đến môi trường hơn so với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, là một điều tốt.

Nhược điểm: Chế độ DASH tuy loại bỏ thịt đỏ nhưng vẫn cho phép các sản phẩm từ sữa và thịt gia cầm. Theo World Resources Institute protein source scorecard, những mặt hàng này không gây ra khí thải nhà kính như thịt đỏ, nhưng chúng gây hại cho môi trường nhiều hơn so với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật như đậu lăng và các loại hạt.

Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet)

Kiểu ăn Địa Trung Hải là một phong cách ăn uống dựa trên chế độ ăn truyền thống của nhiều quốc gia trong lưu vực Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Hy Lạp. Chế độ ăn này tập trung nhiều vào các loại cá, rau củ, ngũ cốc, trái cây và hạn chế bất kỳ loại thịt đỏ nào, các thực phẩm có đường, thực phẩm chế biến và ngũ cốc tinh chế.

Ưu điểm: Theo World Resources Institute, hạn chế thịt đỏ có tác động tích cực đến môi trường vì thịt bò là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về môi trường. Một nghiên cứu cho thấy nếu người Tây Ban Nha chọn chế độ ăn Địa Trung Hải thay vì ăn kiểu phương Tây, lượng khí thải nhà kính sẽ giảm 72%, giảm đất sử dụng đến 58% và mức tiêu thụ năng lượng giảm 52%.

Nhược điểm: Việc ăn cá tốt cho sức khỏe, nhưng theo Brownlee điều đó lại không tốt cho môi trường. Tổ chức The United Nations Food and Agriculture báo cáo gần 90% trữ lượng cá biển đã bị khai thác quá mức hoặc dần cạn kiệt. Để giúp việc tiếp cận, tiêu thụ cá được hợp lý hơn, bạn có thể tìm hiểu xem loại cá bạn định đặt hoặc mua có phải là lựa chọn thân thiện với đại dương hay không, dựa trên loại cá và nguồn gốc của nó.

Qua 5 chế độ ăn nêu trên, đâu là chế độ ăn uống lý tưởng toàn cầu để giảm phát thải khí nhà kính, giảm phá hủy môi trường sống và giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh?Tiến sĩ Mark Maslin, Giáo sư Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học College London và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch có gợi ý chế độ “siêu linh hoạt (ultra-flexitarian)” – một chế độ ăn kiêng chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc thực vật và được dùng thịt và các sản phẩm từ sữa ở mức độ vừa phải, nhưng riêng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn thì bị loại bỏ hoàn toàn. Chế độ này sẽ tiết kiệm ít nhất 5,5 tỷ tấn CO₂ tương đương mỗi năm (40% tổng lượng khí thải từ thực phẩm), giảm 10% tỷ lệ tử vong toàn cầu và ngăn chặn việc giết mổ hàng tỷ động vật vô tội.

Đọc thêm: Mindful eating – Khi ăn chánh niệm cũng giúp cơ thể khỏe mạnh

Gợi ý các hành động bảo vệ môi trường trong việc ăn uống

unrecognizable person near lemons and bell peppers
Photo by Sarah Chai on Pexels.com

Ngoài lựa chọn các chế độ ăn hợp lý, heal.thee cũng gợi ý cho bạn một số việc làm có thể góp phần nhỏ bảo vệ môi trường hơn.

  • Chuyển sang nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn sẽ thúc đẩy sức khỏe tốt hơn và giảm đáng kể tác động đến môi trường của bạn so với chế độ ăn trung bình dựa trên thịt.
  • Hạn chế dư thừa thực phẩm: Hãy suy nghĩ về cách bạn mua, chuẩn bị và xử lý thực phẩm. Khi vứt bỏ thực phẩm dư thừa đồng nghĩa với việc lãng phí năng lượng, đất đai, nước và phân bón đã được sử dụng để sản xuất, đóng gói và vận chuyển thực phẩm. Chỉ mua những gì cần thiết với số lượng vừa đủ và sử dụng hết những gì đã mua, kể cả những trái cây, rau quả trông không đẹp mắt, vì chúng có thể bị vứt bỏ nếu không ai mua. Hành động này giúp hạn chế lãng phí, tiết kiệm tiền, giảm khí thải và giúp bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai.
  • Dùng các bao bì, túi có thể tái sử dụng: Việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Thay vì sử dụng túi nhựa, hãy sử dụng túi tái sử dụng của riêng bạn và giảm lượng rác thải nhựa trong thế giới của chúng ta.

Qua các chia sẻ của heal.thee, hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về các tác động của thực phẩm với môi trường, biết thêm nhiều chế độ ăn từ đó lựa chọn hoặc thiết kế cho mình một chế độ ăn phù hợp với bản thân mà vẫn cực kỳ “healthy” với môi trường.


Tài liệu tham khảo

  1. Moira Lawler (December 29, 2022). How 11 Popular Diets Affect the Environment. Everyday Health
  2. Mark Maslin, Professor of Earth System Science, UCL (August 12, 2022). Which diet will help save our planet: climatarian, flexitarian, vegetarian or vegan?. The Conversation
  3. The United Nations. Food and Climate Change: Healthy diets for a healthier

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *