Gần đây, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ chứng kiến một sự chuyển biến lớn, âm nhạc và phương pháp trị liệu bằng âm thanh (sound healing) trở thành một trong số những phương pháp then chốt trong holistic healing.
Các nghiên cứu khoa học về tác động của âm thanh lên sức khoẻ tinh thần của con người ngày các nhận được nhiều sự chú ý từ giới y học chính thống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều cá nhân chia sẻ về những tác động tích cực lên sức khoẻ tinh thần qua các buổi trị liệu bằng âm thanh. Sự gia tăng của những phản hồi tích cực là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả của liệu pháp này và tiềm năng của nó trong việc cách mạng hoá các hoạt động chăm sóc sức khoẻ toàn diện (holistic health).
Mục lục
Sound Healing là gì?
Theo Niyama Yoga, sound healing sử dụng nhạc cụ, âm nhạc, âm thanh cụ thể và các rung động để cân bằng và chữa lành cơ thể, tâm trí, và tinh thần. Phương pháp này khai thác các tần số âm thanh chuyên biệt để tạo ra một môi trường trị liệu, giúp thúc đẩy trạng thái nghỉ ngơi sâu, tái cân bằng hệ thần kinh và giải phóng cảm xúc.
Sound healing dựa trên hai nguyên tắc cơ bản:
- Tần số rung động của cảm xúc: Mỗi cảm xúc rung động ở các cấp độ tần số khác nhau. Khi các tần số âm thanh tương thích được phát ra, chúng có thể tác động tích cực đến cảm xúc, giúp giải tỏa căng thẳng và điều chỉnh trạng thái tinh thần.
- Cảm xúc bị chặn và bệnh tật: Những cảm xúc bị chặn hoặc không được giải tỏa là nguồn gốc chính của nhiều bệnh tật. Âm thanh và rung động có khả năng xâm nhập sâu vào hệ thống cảm xúc, giúp giải phóng những cảm xúc này và khôi phục sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí.
Sợi dây liên hệ giữa âm thanh và cảm xúc
Đường dẫn truyền thần kinh và xử lý cảm xúc
Theo các nghiên cứu, âm thanh có thể kích thích các phần khác nhau của não bộ, đặc biệt là amygdala – một khu vực quan trọng trong việc hình thành và điều hòa cảm xúc. Amygdala giúp chúng ta nhận diện cảm xúc qua âm nhạc, cho dù đó là niềm vui, nỗi buồn, sự sợ hãi hay sự phấn khích.
Ngoài ra, amygdala tương tác với vỏ não trước trán, vùng não chịu trách nhiệm xử lý nhận thức và ra quyết định. Các yếu tố như nhịp, âm lượng và tần số của âm thanh có thể ảnh hưởng đến cách não bộ xử lý thông tin và tạo ra các trạng thái cảm xúc khác nhau. Điều này giải thích tại sao một bản nhạc hoặc âm thanh có thể gây ra cảm xúc mạnh mẽ hoặc thậm chí thay đổi tâm trạng của chúng ta.
Cải Thiện Tâm Trạng Và Điều Chỉnh Cảm Xúc
Một trong những tác động đáng chú ý nhất của âm thanh và âm nhạc là khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng. Một số âm thanh hoặc bản nhạc có thể khơi gợi những cảm xúc cụ thể như hạnh phúc, nỗi buồn hoặc nỗi nhớ. Ví dụ, nghe nhạc sôi động và lạc quan có thể tăng mức năng lượng, nâng cao cảm xúc tích cực và thúc đẩy cảm giác vui vẻ, nhiệt tình. Ngược lại, những giai điệu nhẹ nhàng, du dương có thể tạo bầu không khí yên tĩnh giúp chúng ta thư giãn, giảm căng thẳng.
Âm thanh cũng có khả năng điều chỉnh cảm xúc của chúng ta, đóng vai trò như một “lối thoát cảm xúc”. Lời bài hát, giai điệu và nhịp điệu của âm nhạc cùng với trải nghiệm cá nhân cho phép chúng ta bày tỏ và thể hiện những cảm xúc khó diễn đạt.
Giảm căng thẳng và thư giãn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc lắng nghe những âm thanh tự nhiên hoặc nhạc nhẹ có thể giảm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm mức cortisol – hormone gây căng thẳng. Điều này giúp cả cơ thể và tâm trí chúng ta đạt được trạng thái thư giãn sâu, cải thiện sức khỏe tổng thể và mang lại cảm giác hạnh phúc, hoan lạc.
Âm thanh êm dịu như tiếng sóng biển rì rào hay tiếng lá xào xạc trong gió không chỉ làm dịu hệ thần kinh mà còn kích hoạt phản ứng thư giãn tự nhiên của cơ thể, tạo ra trang thái thoải mái, dễ chịu cho chúng ta.
Các phương pháp sound healing phổ biến
Nature Sounds (Âm thanh tự nhiên)
Nature sounds, hay âm thanh tự nhiên, như tiếng nước chảy, tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, và tiếng mưa rơi,… Đây là những âm thanh có khả năng kích hoạt phản ứng thư giãn trong cơ thể, giúp giảm mức cortisol – hormone gây căng thẳng.
Chẳng hạn, khi nghe tiếng sóng vỗ hay tiếng suối chảy, hệ thần kinh của chúng ta sẽ phản ứng bằng cách làm giảm nhịp tim và hạ huyết áp, mang lại cảm giác bình yên và thư giãn. Hay trước khi đi ngủ, nghe tiếng mưa rơi, gió thổi có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng và dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu hơn.
Ngoài ra, nature sounds cũng được đánh giá là hỗ trợ tăng cường sự tập trung và hiệu suất làm việc; cũng như gia tăng cảm xúc tích cực và giảm cảm xúc tiêu cực. Những người thường xuyên nghe nature sounds có xu hướng cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Thực hành nature sounds
- Dành thời gian ở công viên, bờ biển, rừng núi hoặc vườn nhà để tận hưởng âm thanh tự nhiên xung quanh mình.
- Sử dụng các ứng dụng di động hoặc thiết bị phát âm thanh tự nhiên như tiếng nước chảy, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót…
- Nghe nature sounds khi làm việc, học tập hoặc thư giãn trước khi ngủ để tạo môi trường âm thanh dễ chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chanting (Tụng kinh)
“Chính lời nói là khởi đầu của công cuộc sáng tạo, và chính lời nói mở ra mầu nhiệm của sự sáng tạo. Lời thiêng liêng chạm đến các trung tâm trực giác, cảm hứng và tiến hóa khác nhau.” – Hazrat Inayat Khan, một nhà soạn nhạc lỗi lạc của Ấn Độ từng chia sẻ.
Tụng kinh có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ cổ đại và được mô tả là một phương pháp thực hành tâm linh bao gồm việc lặp lại nhịp nhàng một bài hát, lời cầu nguyện, từ ngữ hoặc âm thanh để gắn kết người tập với thần thánh. Theo đó, chanting tạo ra một trạng thái thiền định sâu, giúp tâm trí thư giãn và giảm căng thẳng. Việc lặp lại các mantra cải thiện sự tập trung và ý thức, làm cho tâm trí trở nên rõ ràng và sáng suốt hơn. Chanting không chỉ chữa lành về mặt thể chất mà còn giúp người thực hành cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với bản thân và thế giới xung quanh.
Guided Meditation with Sound (Thiền dẫn kèm âm thanh)
Đây là một phương pháp thiền sử dụng nhạc cụ, âm nhạc, hoặc giọng nói để dẫn dắt người tham gia vào trạng thái thiền sâu. Phương pháp này kết hợp giữa hướng dẫn thiền định và âm thanh trị liệu để mang lại sự thư giãn, cân bằng, giúp chữa lành cho cơ thể và tâm trí.
Một nghiên cứu của Carr, Odell-Miller và Priebe (2013) đã hệ thống hóa các bằng chứng về hiệu quả của liệu pháp âm nhạc đối với những người mắc chứng tâm thần phân liệt. Nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp âm nhạc, bao gồm các phương pháp như Guided Meditation with Sound, có tác dụng tích cực đến sức khỏe tinh thần, giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người tham gia.
Cách thực hành thiền dẫn
- Sử Dụng Nhạc Cụ: Các nhạc cụ như bát hát Tây Tạng, bát hát pha lê, chuông, và chimes được sử dụng để tạo ra các âm thanh nhẹ nhàng, rung động. Những âm thanh này giúp điều hòa tần số não, đưa người tham gia vào trạng thái thiền định sâu.
- Sử Dụng Âm Nhạc: Âm nhạc nhẹ nhàng, các bản nhạc có tần số cụ thể hoặc các giai điệu tự nhiên (tiếng sóng, tiếng gió,…) được phát để giúp người tham gia thư giãn.
- Sử Dụng Giọng Nói: Người hướng dẫn thiền sẽ dẫn dắt người tham gia qua các bước thực hành, từ những hình dung, các bài tập thở cùng các kỹ thuật thiền định cụ thể.
Một số lưu ý khi thực hành sound healing
- Chọn không gian thích hợp: Đảm bảo không gian yên tĩnh, thoải mái, tránh tiếng ồn, có ánh sáng dịu nhẹ và không khí trong lành.
- Sử dụng dụng cụ âm thanh đúng cách: Sử dụng các dụng cụ âm thanh chất lượng cao như bát hát, tuning forks, chuông, chimes và học cách sử dụng đúng kỹ thuật để tạo ra âm thanh và rung động chính xác, mang lại hiệu quả chữa lành tốt nhất.
- Tập trung và thả lỏng: Tập trung vào âm thanh và rung động, tránh để tâm trí bị phân tán, đồng thời thả lỏng cơ thể và tinh thần để các rung động âm thanh đi sâu vào trong và mang lại cảm giác thư giãn.
- Kết hợp với hơi thở: Thực hiện các bài tập thở sâu, đồng bộ hơi thở với nhịp điệu của âm thanh để tăng cường hiệu quả thư giãn và đạt được trạng thái thiền định sâu hơn.
- Lắng nghe cơ thể: Lắng nghe phản hồi của cơ thể và tâm trí, điều chỉnh âm lượng hoặc tần số nếu không thoải mái, và thử nghiệm để tìm ra phương pháp và âm thanh phù hợp nhất.
- Thực hành đều đặn: Tạo thói quen thực hành sound healing hàng ngày hoặc ít nhất vài lần mỗi tuần, kiên nhẫn và tiếp tục để cơ thể và tâm trí dần dần thích nghi và phát huy hiệu quả.
- Đặc biệt, trong thời gian đầu thực hành bạn có thể tìm cho mình một người hướng dẫn và chia sẻ. Người sẽ đồng hành và dẫn dắt bạn.
“Âm nhạc cho tâm hồn, đôi cánh cho trí tưởng tượng, và sự sống cho mọi thứ.” (Plato) Hãy mở lòng, thả lỏng cơ thể và trải nghiệm sound healing để kết nối lại với bản ngã, chữa lành những tổn thương và tìm thấy sự bình yên.
Tham khảo:
- Healthy Hildegard. Holistic Healing: Six Steps to Holistic Health. https://www.healthyhildegard.com/holistic-healing/
- Sound healing reduces generalized anxiety during the pandemic: A feasibility study. https://doi.org/10.1016/j.ctim.2023.102947
- Music, emotion and the brain. https://musicpsychology.co.uk/music-emotion-and-the-brain/
- Youaligned. Chanting and Kirtan: Everything You Need to Know (Plus a Few Chants to Try!). https://youaligned.com/mindfulness/chanting-kirtan/