Dinh dưỡng Lối sống

5 lý do khiến bạn giảm cân thất bại

Câu chuyện về cân nặng, ăn uống, sức khỏe có lẽ đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Nó luôn là 1 trong những lo lắng của không ít người, đặc biệt là những ai đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Thực hiện giảm cân sẽ giúp lấy lại vóc dáng, ổn định cân nặng và duy trì sức khỏe nhưng đôi lúc lại có kết quả không như mong đợi. 

Vậy lý do giảm cân thất bại là gì? Làm sao để hạn chế tăng cân trở lại? Cùng heal.thee tìm hiểu nhé!

1. Tìm hiểu về thừa cân, béo phì

Thực trạng thừa cân hiện nay trên toàn cầu 

Thừa cân và béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ nhiều mỡ thừa, mang tiềm ẩn hiểm họa cho sức khỏe. Theo BMI, nếu Body Mass Index – chỉ số được tính toán dựa trên trọng lượng và chiều cao trên 25 thì được coi là thừa cân và trên 30 là béo phì. 

Để xác định BMI của mình, bạn có thể tự tính và phân loại chỉ số thông qua các hướng dẫn dễ dàng trên Internet. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ mang tính tham khảo vì nó không thể phản ánh được tỉ lệ cơ và mỡ trong cơ thể.

Ở châu Âu mỗi năm có tới 1,2 triệu người tử vong do mắc các bệnh mà nguyên nhân là do thừa cân và béo phì. Năm 2022, châu Âu là châu lục đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ béo phì đã đạt đến ngưỡng “dịch bệnh”. Số người béo phì ở châu Âu đã tăng hơn 135% trong vòng 50 năm qua và hiện châu lục này có tỉ lệ người lớn béo phì cao thứ hai chỉ sau châu Mỹ. 

Tại Việt Nam, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5%  ở năm 2010 lên 19% sau 10 năm. Riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%

Theo báo cáo của World Obesity Federation (WOF) vào tháng 3/2023 cho hay, đến năm 2035 sẽ có hơn 1 nửa dân số thế giới bị béo phì. Đây thực sự là 1 điều đáng báo động, bởi khi tình trạng béo phì tăng lên sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim, ung thư, tiểu đường,.. cũng như kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe.

MART PRODUCTION | Pexels

Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì

Lượng mỡ tích tụ trong cơ thể quá mức được xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau và hình thành nên theo thời gian. Nếu bạn đang lo lắng cho tình trạng cân nặng của mình hoặc muốn biết xem mình có vô tình mắc phải những khả năng gây béo phì không thì cùng heal.thee điểm qua những nguyên nhân phổ biến sau đây:

  • Lười vận động, dành nhiều thời gian ngồi hoặc nằm để xem TV, chơi game, sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh: nạp nhiều calories hơn mức cơ thể cần; sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa; ăn nhiều đồ ngọt. 

Đọc thêm: Có phải mọi chất béo đều có hại cho sức khỏe?

  • Ngủ không đủ giấc: ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể ảnh hưởng đến hormone kiểm soát cơn đói, khiến chúng ta không cảm thấy no khi ăn và dễ dẫn đến ăn uống quá độ.
  • Căng thẳng quá mức: sản sinh ra cortisol, còn được gọi là hormone chống stress với khả năng làm tăng huyết áp và đường huyết, ức chế miễn dịch, chống dị ứng. Việc tăng nồng độ cortisol kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng tăng cân.
  • Tình trạng sức khỏe: Một số tình trạng như hội chứng chuyển hóa và hội chứng buồng trứng đa nang khiến cơ thể tăng cân. Những bệnh lý này phải được điều trị để cân nặng có thể đạt gần hoặc trở về mức bình thường.
  • Yếu tố di truyền: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 15 gen ảnh hưởng đến béo phì. Với những người có nguy cơ béo phì cao do di truyền, việc thực hành lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ đó.
  • Tác dụng của thuốc: Một số loại thuốc có thể kích thích sự thèm ăn khiến bạn ăn nhiều hơn và tăng cân. Một số loại thuốc thì ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm chậm quá trình đốt cháy calo. Một số loại thuốc có thể khiến cơ thể tích nước.
  • Một số loại thuốc tiêu biểu: thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần; thuốc chẹn beta; thuốc tránh thai; thuốc glucocorticoid; thuốc insulin kiểm soát đường huyết.

Tiềm ẩn từ thừa cân, béo phì

Pavel Danilyuk | Pexels

Thừa cân là một tình trạng đáng báo động đối với sức khỏe, khi cơ thể tích trữ nhiều mỡ có thể ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống, gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh sau:

  1. Đau nhức xương khớp
    Béo phì là một trong những nguyên nhân  gây ra các vấn đề về xương khớp như: viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, đau lưng, các hội chứng liên quan đến cột sống, giả u não.
  1. Tiểu đường
    Béo phì là nguyên nhân chính gây ra tiểu đường tuýp 2 khi mà lượng đường trong máu quá cao vượt mức kiểm soát của cơ thể. Tiểu đường tuýp 2 còn làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong.
  1. Cao huyết áp
    Béo phì có thể dẫn đến cao huyết áp, cứ 4 người mắc bệnh cao huyết áp thì có 3 người bị tình trạng béo phì. Và huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim, suy tim sung huyết (CHF), đột quỵ và bệnh thận.
  1. Rối loạn hô hấp
    Những người bị béo phì sẽ bị giảm khả năng hô hấp, nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp (phổi), hen suyễn và các rối loạn hô hấp khác. Bệnh hen suyễn được phát hiện nhiều gấp ba đến bốn lần ở những người mắc bệnh béo phì. Bên cạnh đó hội chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện khi mỡ tích tụ nhiều ở cổ, khiến đường thở bị chặn trong khi ngủ.
  1. Trào ngược dạ dày thực quản
    Nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày xuất phát từ việc mỡ bụng dư thừa gây áp lực lên dạ dày, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản nhiều hơn. Điều này gây ra chứng ợ nóng, ợ hơi, đau ngực và các triệu chứng GERD khó chịu khác. 
  1. Ung thư
    Béo phì là 1 trong những nguyên nhân gây ra tới 90.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Với những người bị béo phì nặng thì tỷ lệ tử vong do các loại ung thư đều cao hơn người không bị béo phì. Một nghiên cứu dân số trên 900.000 người Mỹ trưởng thành và khỏe mạnh từ năm 1982 cho thấy trong vòng 16 năm theo dõi, có đến 57.145 ca tử vong do ung thư. Theo đó, những người béo phì với chỉ số BMI > 40 thì tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tăng cao, hơn 52% đối với nam và hơn 62% đối với nữ. Có đến 15 loại ung thư có khả năng xuất phát từ bệnh béo phì.
  1. Tai biến mạch máu não, đột quỵ
    Béo phì gây căng thẳng cho toàn bộ hệ thống tuần hoàn, làm tăng nguy cơ đột quỵ và tổn thương mạch máu não. Các yếu tố gây đột quỵ bao gồm bệnh tim, tăng huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường loại 2 (được gọi là hội chứng chuyển hóa khi mắc từ ba bệnh này trở lên).

Đứng trước nỗi lo về béo phì và những nguy cơ gây hại cho sức khỏe do nó gây nên thì giảm cân thường là phương pháp mà hầu hết chúng ta sẽ lựa chọn khi rơi vào tình trạng thừa cân nặng. Tuy nhiên nhiều trường hợp giảm cân lại không đem đến kết quả như mong muốn, nếu bạn cũng gặp tình trạng tương tự thì hãy xem mình có mắc phải các nguyên nhân sau đây không? Liệu phương pháp giảm cân của bản thân có thật sự lành mạnh và phù hợp? hoặc nếu bạn đang chuẩn bị giảm cân thì có thể lưu ý để có thể đạt kết quả tốt nhất.

2. Nguyên nhân giảm cân thất bại

Tại sao giảm cân không hiệu quả? Liệu giảm cân sai cách sẽ gây ra hậu quả tiêu cực gì?

Béo phì, thừa cân chủ yếu hình thành từ chế độ ăn uống không hợp lý, do đó khi giảm cân, chế độ ăn thường là điều được quan tâm nhất, cụ thể mọi người hay chọn cách ăn kiêng để giảm bớt lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn kiêng khác nhau mà bạn có thể tìm thấy trên báo đài, internet, hay qua truyền miệng từ những người xung quanh… Tuy nhiên nếu áp dụng các phương pháp không đúng cách thì có thể cân nặng lẫn sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Sau đây là 1 số nguyên nhân tiêu biểu mà mọi người thường hay mắc phải khi áp dụng chế độ ăn kiêng.

Lý do đầu tiên: Ăn kiêng có thể dẫn đến thói quen ăn uống không điều độ hoặc thái độ tiêu cực với việc ăn uống

Việc hạn chế phần ăn và đong đếm calo có thể dẫn đến các hành vi ám ảnh và rối loạn như bỏ bữa, tập thể dục quá sức cũng như lo lắng về việc ăn quá nhiều. Nhiều chế độ ăn kiêng tập trung vào sự thiếu hụt hơn là dinh dưỡng.

Khi những người ăn kiêng bị ám ảnh bởi con số trên cân, tâm trạng của họ, những gì họ có thể ăn dường như bị phụ thuộc vào số đo cân nặng. Đồng thời họ thường xuyên không hài lòng với cơ thể của mình. Nhìn chung, chế độ ăn kiêng có thể khiến bản thân khắt khe, có cái nhìn tiêu cực với thực phẩm và việc ăn uống.

Lý do thứ 2: Ăn kiêng có liên quan đến tăng cân

Nghe thật vô lý? Nhưng đó là sự thật! Trong một số trường hợp ăn kiêng, sau một thời gian ăn kiêng và giảm được cân, thì sau đó lại rơi vào tình trạng tăng cân trở lại bằng ban đầu, thậm chí có khi hơn.

Về cơ bản, hạn chế ăn uống sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất để duy trì trọng lượng cơ thể. Việc nhịn ăn có thể dẫn đến một chu kỳ ăn uống vô độ, cụ thể, ban đầu bạn cố gắng nhịn hết sức, nhưng sau đó không cưỡng lại được sự thèm ăn; hoặc có tâm lý “tự thưởng” cho bản thân ăn uống thoải mái sau khi giảm được vài cân.

Đôi khi, có trường hợp giảm cân “ảo”, khi bạn đứng lên cân và thấy giảm nhưng cơ thể thực chất không có sự thay đổi. Điều này xảy ra có thể là do sự mất nước trong cơ thể, và phần cân nặng bị giảm chính là lượng nước mất đi, khiến bạn giảm cân chứ không giảm mỡ. 

Dùng cân để đo không thể phản ánh chính xác kết quả giảm cân, bạn có thể dùng thước dây để đo và ghi chép, so sánh để thấy được sự thay đổi của cơ thể.

Lý do thứ 3: Nhiều người cố gắng giảm cân có xu hướng bị mắc kẹt trong “chu kỳ ăn kiêng”.

“Chu kỳ ăn kiêng” hoặc “chu kỳ giảm cân” (The Dieting Cycle) là một khái niệm mô tả sự thay đổi thói quen ăn uống và cân nặng của một người qua các chu kỳ lặp lại.

  • Bắt đầu (Initiation): Bắt đầu từ quyết định ăn kiêng, thay đổi chế độ ăn để giảm cân hoặc cải thiện sức khỏe. Bạn có thể có những suy nghĩ như “Mình đang ăn uống vô độ. Mình phải ăn kiêng mới được.”
  • Tuân thủ (Adherence): Trong giai đoạn này, người thực hiện theo kế hoạch ăn kiêng, thường có một số thay đổi tích cực về sức khỏe, cân nặng bắt đầu giảm. Những suy nghĩ thường xuất hiện ở giai đoạn này là, “Mình không nên ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ”, “Cái này không ăn được, không tốt cho sức khoẻ, mình đang ăn kiêng cơ mà.”
  • Đạt đến mức giới hạn hoặc Mệt mỏi(Plateau or Restriction Fatigue): Sau một khoảng thời gian, việc giảm cân có thể chậm lại hoặc đạt đến giới hạn. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc bị hạn chế bởi những quy tắc nghiêm ngặt của chế độ ăn, gây cảm giác bị tước đoạt. Bạn có thể có những suy nghĩ như “Mình thèm món này kinh khủng nhưng mình không nên ăn”, “Giá như mình có thể ăn cái này”,…
  • Tái phạm (Relapse): Đây là giai đoạn người thực hiện có thể quay trở lại thói quen ăn uống trước đó. Các yếu tố như căng thẳng, áp lực xã hội, hoặc kích thích tâm lý có thể khiến bạn phá vỡ kế hoạch ăn kiêng. Bạn có thể có những suy nghĩ như, “Chỉ một lần này thôi. Ngày mai mình sẽ lại tuân thủ nghiêm ngặt mà…”.
  • Tội lỗi hoặc Xấu hổ (Guilt or Shame): Sau khi tái phạm, bạn có thể trải qua cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ vì không tuân thủ kế hoạch ăn kiêng. Phản ứng tâm lý này đôi khi có thể dẫn đến việc ăn quá mức hoặc các hành vi không lành mạnh khác. Bạn có xu hướng nghĩ rằng mình không thể kiểm soát được bản thân hoặc tự trách mình,  “Mình không thể tin được là mình đã ăn thứ đó” hoặc “Mình thật tệ”, “Đáng lẽ ra mình nên nghiêm khắc với bản thân hơn”….
  • Bắt đầu lại (Restart): Sau một thời gian cảm thấy  tội lỗi, bạn có thể quyết định bắt đầu một chế độ ăn mới hoặc thử lại, mở đầu cho một chu kỳ mới. Và mọi thứ lại tái diễn.
Chu kỳ giảm cân (The Diet Cycle)

Lý do thứ 4: Chế độ ăn kiêng chỉ tập trung vào thực phẩm chứ không phải sức khỏe tổng thể.

Duy trì sự khỏe mạnh gồm rất nhiều yếu tố và những gì bạn ăn chỉ là một trong số đó. Một lối sống lành mạnh cần nhiều thứ hơn là chế độ ăn kiêng. Thực tế, có 7 yếu tố duy trì sức khỏe bao gồm sức khỏe cảm xúc, xã hội, trí tuệ, nghề nghiệp, môi trường, tinh thần và tài chính. 

Vì vậy nếu bạn chỉ tập trung vào chế độ ăn thì không thể đảm bảo sức khỏe của bạn. Khi sức khỏe không được đảm bảo thì quá trình giảm cân cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. 

Lý do thứ 5: Không có một chế độ ăn kiêng hoàn hảo, phù hợp với tất cả mọi người.

Mỗi người có một thể trạng khác nhau nên kết quả giảm cân còn phụ thuộc vào cơ địa từng người. Các tình trạng cân nặng, chiều cao, lối sống, di truyền – đều có thể ảnh hưởng đến cơ thể.

Ví dụ, một người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tổn hại nghiêm trọng bởi chế độ ăn Keto vì đây là một chế độ ăn cắt giảm tối đa lượng carbohydrate (tinh bột) nạp vào cơ thể. Họ cần carbs để ổn định lượng đường trong máu.

Hơn nữa, nhiều loại thực phẩm được khuyên dùng cho một số chế độ ăn kiêng quá đắt tiền và có thể không phù hợp với túi tiền của một số người. 

Ngoài ra, việc theo đuổi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, kế hoạch giảm cân tiêu cực, không có kế hoạch rõ ràng, cũng như không đủ ý chí và tinh thần, đặt nặng về kết quả sẽ làm quá trình giảm cân thất bại. Điều bạn cần làm là tìm ra phương pháp bền vững và phù hợp với lối sống của mình.

3. Gợi ý 1 số phương pháp giảm cân lành mạnh

Vanessa Loring | Pexels

Để thành công trong việc giảm cân bạn cần phải hiểu cơ thể mình cần và phù hợp những gì, từ đó có một phương pháp lành mạnh. Quá trình giảm cân nên bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, dễ thực hiện để bạn có thể cảm thấy thoải mái và có động lực duy trì. 

Sau đây heal.thee xin gợi ý 1 số phương pháp giúp ích cho quá trình giảm cân của bạn.

1. Thêm protein vào chế độ ăn uống của bạn

Quá trình đốt cháy calo diễn ra khi cơ thể tiêu hóa và chuyển hóa protein, vì vậy chế độ ăn giàu protein có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất lên tới 80–100 calo mỗi ngày. Chế độ ăn giàu protein sẽ giúp bạn cảm thấy no hơn và giảm cảm giác thèm ăn. Một số thực phẩm giàu protein mà bạn có thể thêm vào thực đơn của mình:

  • Trứng 
  • Quả hạnh nhân 
  • Ức gà 
  • Phô mai tươi 
  • Sữa chua Hy Lạp 
  • Đậu lăng 
  • Thịt bò nạc 
  • Cá 
  • Hạt diêm mạch 
  • Bột protein 
  • Đậu phộng và bơ đậu phộng

2. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều đường bổ sung, chất béo bổ sung và khá nhiều calo. Hơn nữa, thực phẩm chế biến sẵn được làm ra để khiến bạn ăn càng nhiều càng tốt. Chúng có khả năng gây nghiện hơn so với thực phẩm chưa qua chế biến.

Sau đây là calo của 1 số thực phẩm chế biến sẵn mà bạn có thể lưu ý:

  • Trà sữa: 450 calo.
  • Mì tôm: 600 calo.
  • Kem ốc quế: 228 calo.
  • Xúc xích rán: 200 calo.
  • Pizza: 285 calo.
  • Khoai tây chiên: 228 calo.
  • Bánh bột lọc: 480 calo.
  • Bánh giò: 440 calo.
  • Milo dầm trân châu: 243 calo.
  • 90g bắp rang bơ: 395 calo.
  • 100g bánh hamburger: 294 calo.

3. Uống đủ nước

Uống 500ml nước có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất lên đến 24–30% trong một giờ sau đó. Uống nước trước bữa ăn cũng có thể giúp giảm lượng calo hấp thụ, giảm thèm ăn, đặc biệt là đối với người trung niên và người lớn tuổi. Nước hữu ích cho việc giảm cân vì nó thay thế các loại đồ uống khác chứa nhiều calo và đường.

4. Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent fasting)

Intermittent fasting (IF) hay nhịn ăn gián đoạn là một chế độ ăn uống mà người thực hiện hạn chế thời gian ăn, thường bằng cách giảm thiểu thời gian trong ngày mà họ ăn, hoặc thậm chí hạn chế ăn trong một số ngày trong tuần. IF có thể giúp giảm cân bằng cách giảm lượng calo tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn.Tuy nhiên, hiệu suất giảm cân có thể phụ thuộc vào cách thức thực hiện IF và cả lối sống tổng thể..

Các chế độ ăn Intermittent Fasting phổ biến:

  • Chế độ ăn 16/8: Còn được gọi là Leangains protocol, đây là một trong những chế độ ăn phổ biến nhất. Con số 8 và 16 thể hiện cho mốc thời gian tiêu thụ thức ăn kể cả thực phẩm đồ uống giàu calo trong 8 giờ trong ngày và nhịn ăn hoàn toàn trong 16 giờ tiếp theo..
  • Chế độ 5:2: Còn được gọi chế độ nhịn ăn liên tục. Nguyên tắc là chúng ta ăn một lượng thức ăn bình thường 5 ngày một tuần và giảm lượng calo hàng ngày trong 2 ngày còn lại, còn 500 cho phụ nữ và 600 đối với nam giới

Nhiều nghiên cứu đã đề xuất rằng intermittent fasting có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe đồng thời giúp bạn giảm cân, nhưng cũng cần lưu ý rằng chế độ nhịn ăn này không phải là lựa chọn phù hợp cho mọi người.

Lưu ý: Trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ ăn nào, đặc biệt là các chế độ nhịn ăn như IF, bạn nên thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để đảm bảo rằng nó phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

5. Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn

Trái cây và rau quả là thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng, có tác dụng giảm cân. Ngoài việc chứa nhiều nước, chất dinh dưỡng và chất xơ, thì chúng chứa khá ít năng lượng. Nhờ vậy bạn có thể ăn khẩu phần ăn lớn mà không dung nạp quá nhiều calo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều trái cây và rau quả có xu hướng nhẹ cân hơn.

6. Sử dụng những chiếc đĩa nhỏ hơn

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng đĩa nhỏ hơn giúp bạn ăn ít hơn vì nó thay đổi cách bạn nhìn nhận kích thước khẩu phần ăn.

Mọi người dường như lấp đầy đĩa của mình như nhau, bất kể kích thước đĩa, vì vậy nếu đĩa càng lớn, chúng ta càng thường đặt nhiều thức ăn vào. Sử dụng đĩa nhỏ hơn sẽ làm giảm lượng thức ăn bạn ăn, đồng thời mang lại cho bạn cảm giác đã ăn nhiều hơn.

7. Tập một số bài tập cardio

Tập cardio – cho dù đó là chạy bộ, chạy bộ, đạp xe, đi bộ nhanh hay đi bộ đường dài là một cách tuyệt vời để đốt cháy calo và cải thiện cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Tập cardio được chứng minh là cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể, hiệu quả trong việc giảm chất béo gây ra bệnh chuyển hóa, thường tích tụ xung quanh các cơ quan của bạn.

8. Thực hành ăn uống chánh niệm (Mindful Eating)

Ăn uống chánh niệm là một phương pháp được sử dụng để nâng cao nhận thức trong khi ăn. Nó giúp bạn đưa ra lựa chọn thực phẩm có ý thức và phát triển nhận thức về tín hiệu đói và no của bạn. Sau đó, nó giúp bạn ăn uống ngon miệng để đáp lại những tín hiệu đó.

Ăn uống có chánh niệm được chứng minh là có tác động đáng kể đến cân nặng, hành vi ăn uống và tình trạng căng thẳng ở những người béo phì. Nó đặc biệt hữu ích trong việc chống lại việc ăn uống vô độ và ăn uống theo cảm xúc.

Đọc thêm: Mindful eating – Khi ăn chánh niệm cũng giúp cơ thể khỏe mạnh

4. Lưu ý trong quá trình giảm cân giúp đạt hiệu quả

Để quá trình giảm cân diễn ra dễ dàng và mang đến tâm trạng thoải mái, bạn cần lưu ý một số điều sau

  • Chuẩn bị thực đơn phù hợp và chi tiết: việc lên danh sách thực phẩm giúp bạn tìm ra được các món ăn phù hợp và có thể “biến tấu” thêm nhiều món từ các món đã có nhằm thay đổi linh hoạt, đa dạng thực đơn, tránh bị nhàm chán.
  • Trữ các loại đồ ăn vặt lành mạnh như yến mạch, ngũ cốc, các loại hạt, trái cây,…
  • Tận dụng Youtube để tìm các bài tập mà bạn có thể tập ngay tại nhà. Chuẩn bị đồ tập phù hợp, 1 bộ đồ tập chất lượng và đẹp sẽ khiến bạn có động lực hơn và kiên trì tập luyện.

Cuối cùng quan trọng nhất vẫn là ý chí, kiên trì và sự quyết tâm của bản thân. Quá trình giảm cân thành công cũng đem lại lợi ích đó là giúp bạn trau dồi tính kỷ luật. Hãy tin rằng nếu bạn có thể dùng ý chí để kiểm soát sự thèm ăn, làm chủ được các nhu cầu cơ thể thì sau này những thử thách như là dậy sớm, dọn dẹp, tập thể dục, đọc sách,… sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Hy vọng bài viết đem đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích, giúp cho những ai đã, đang và sắp vào công cuộc giảm cân có thể thành công và trân trọng sức khỏe và yêu thương chính mình hơn.


Tài liệu tham khảo

  1. World Health Organization – Obesity  
  2. Chayil Champion (March 30, 2023) – Worldwide obesity on the rise  
  3. National Heart, Lung, and Blood Institute (March 24, 2022) – Causes and Risk Factors
  4. Public Education Committee (April 2021) – The Impact of Obesity on Your Body and Health 
  5. Dawn (November 8, 2021) – Why Diets Don’t Work
  6. Adda Bjarnadottir, MS, RDN (Ice) — (June 26, 2023) – Ways to Lose Weight Naturally (Backed by Science), medically reviewed by Danielle Hildreth, RN, CPT
  7. Minh Khuê (24.8.2020) – Vì sao bạn vẫn chưa giảm cân thành công?
  8. Nguyễn Mai (05/05/2022) – Béo phì trở thành “dịch bệnh” mới tại châu Âu
  9. Ban Thời sự (04/03/2023) – Gần 2 tỷ người thừa cân, béo phì trên thế giới
  10. Bộ Y tế (15/04/2021) – Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020

Khuyến cáo: Những thông tin trong bài viết này và trên website heal.thee chỉ mang tính chất tham khảo. Mặc dù đội ngũ luôn cố gắng hết sức để những kiến thức về lĩnh vực này đạt tới độ chính xác nhất định và được cập nhật thường xuyên, tuy nhiên bạn vẫn nên tìm đến các trung tâm sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *