Bạn có thích vẽ không? Đã bao lâu rồi bạn chưa cầm bút để thực hiện vài nét vẽ? Bạn đã từng nghe về drawing therapy chưa? Chắc hẳn bạn đã từng nghe ở đâu đó rằng, vẽ tranh cũng là một “liều thuốc tình thần” có thể giúp chúng ta chữa lành không? Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng heal.thee khám phá thêm về drawing therapy – liệu pháp vẽ tranh và những lợi ích tuyệt vời nó mang lại nhé!
Mục lục
Drawing therapy là gì?
Drawing therapy, hay liệu pháp vẽ tranh, là một trong những hình thức trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật. Phương pháp này lấy việc thực hành vẽ tranh để giúp người tham gia có thể tự khám phá bản thân và hiểu rõ hơn về những cảm xúc, suy nghĩ cũng như trải nghiệm của mình.
Drawing therapy có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia, nhà trị liệu hoặc bản thân chúng ta cũng có thể tự thực hành. Liệu pháp này dựa trên tinh thần coi nghệ thuật như một phương thức giao tiếp không lời. Từ đó, hướng người tham gia quay về bên trong, cho phép người tham gia có thể thể hiện những cảm xúc khó khăn hoặc không thể diễn đạt bằng lời nói.
Lợi ích của drawing therapy
Giúp bạn khám phá và thể hiện cảm xúc
Một trong những mục đích chính của drawing therapy đó là giúp chúng ta bình tâm để nhận diện cảm xúc trong mình. Thông qua việc vẽ tranh, bạn sẽ dần gỡ bỏ được sự bế tắc hoặc tâm lý phòng vệ và thả lỏng hơn để kết nối lại với cảm xúc thật của mình.
Vẽ tranh có thể giúp bạn tập trung nhận biết những gì mình đang cảm thấy. Với những người không quen suy ngẫm về cảm xúc của mình có thể gặp một vài khó khăn ở thời gian đầu. Tuy nhiên, về lâu dài việc vẽ tranh sẽ giống như một công cụ để bạn hiểu hơn về bản thân và những gì mình đang trải qua.
Khi chúng ta vẽ, chúng ta sẽ dành thời gian sắp xếp suy nghĩ và tâm trí để diễn tả những điều bản thân muốn thể hiện. Một số cảm xúc và trạng thái tinh thần khó diễn đạt bằng lời nói hoặc văn bản. Vẽ tranh cho phép ta biểu đạt những điều này một cách tự do và không bị ràng buộc bởi ngôn ngữ.
Bạn có thể vẽ những hình ảnh mà mình liên tưởng đến khi cảm thấy buồn bã, lo lắng, bình yên, vui vẻ, hay bất kỳ cảm xúc nào khác. Bạn cũng có thể vẽ những hình ảnh đại diện cho bản thân, mục tiêu, hay mối quan hệ của bạn. Vẽ tranh có thể là một cách lành mạnh để giải phóng những cảm xúc này. Từ đó giúp bạn phát triển sự tự nhận thức và đối diện với cảm xúc của chính mình.
Giải tỏa tinh thần và căng thẳng
Vẽ tranh giúp chúng ta đạt được sự tập trung nhất định qua đó gián tiếp giúp giải tỏa tình trạng căng thẳng. Khi chúng ta tập trung vào việc vẽ, chúng ta sẽ tạm thời quên đi những suy nghĩ và lo lắng đang bủa vây tâm trí. Quá trình này giúp giảm nhịp tim, huyết áp và mức độ cortisol – một loại hormone gây căng thẳng.
Bên cạnh đó, như đã giải thích ở trên, vẽ tranh là một hình thức biểu đạt cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của mình. Điều này giúp chúng ta giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, đồng thời giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn.
Phát triển lòng tự tôn (self-esteem) và khả năng tự nhận thức (self-awareness)
Vẽ tranh là một hình thức tuyệt vời để thể hiện bản thân. Khi bạn tự nhủ mục đích của mình đơn giản là vẽ thôi, tư tưởng bạn sẽ cảm thấy thoải mái và được giải phóng. Bạn có thể để mình tự do sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố, nguyên tắc hay khuôn mẫu nào. Trong suốt quá trình này, bạn hãy thả lỏng hoàn toàn cơ thể, tự do thể hiện ý niệm và tìm kiếm, sáng tạo ý tưởng. Thông qua cách bạn chủ động quyết định từ lúc bắt đầu như chọn đề tài, phong cách hay, màu sắc chủ đạo của bức tranh,… cảm giác tự tin về giá trị bản thân sẽ phần nào được thiết lập và xây dựng trong bạn. Bên cạnh đó, quá trình này cũng giúp bạn tự nhận diện và chấp nhận các khía cạnh khác nhau của bản thân, từ đó củng cố sự tự nhận thức.
Đặc biệt, sau khi hoàn thiện bức tranh và tự ngắm nhìn lại thành quả nhỏ bé đó của mình cũng là lúc bạn có thể tự hào về quá trình bản thân đã kiên nhẫn, kết nối, sáng tạo như thế nào. Nó đồng thời chứa đựng và phản ánh một góc suy nghĩ, tâm tư trong bạn. Hãy coi mỗi bức vẽ chính là món quà nhỏ dễ thương mà bạn dành cho bản thân hoặc bạn cũng có thể tặng chúng cho bạn bè và những người thương yêu của mình. Điều này sẽ đem lại cảm giác hạnh phúc, hài lòng về bản thân và củng cố lòng tự tôn của bạn.
Đến gần hơn với thực hành chánh niệm
Việc thực hành vẽ tranh, dù chỉ với các dụng cụ đơn giản như một cây chì, tẩy, một tờ giấy cũng có thể giúp chúng ta tập trung và bắt đầu lưu tâm, nhận thức rõ hơn về cả thế giới bên trong lẫn bên ngoài. Khi chúng ta vẽ, tâm trí ta dường như ở ngay trong khoảnh khắc hiện tại và sự tập trung cũng được khởi lên theo đó. Trong quá trình ấy, chúng ta có thể tạm gác đi được những lo lắng và sợ hãi về quá khứ hay tương lai và đưa mình vào trạng thái tĩnh lặng để quan sát và thể hiện từng nét vẽ.
Đọc thêm: Mindful cooking – Nghệ thuật nấu ăn trong chánh niệm
Các phương pháp drawing therapy phổ biến
heal.thee xin giới thiệu bạn các phương pháp drawing tiêu biểu và dễ thực hành để bạn tham khảo và thực hành.
Vẽ tự do
Đây là phương pháp đơn giản nhất của drawing therapy. Người tham gia có thể vẽ bất cứ thứ gì mình muốn và không có quy tắc hoặc hướng dẫn nào cả. Phương pháp này có thể giúp người tham gia tự do khám phá những cảm xúc và suy nghĩ tiềm ẩn bên trong mình. Nếu bạn thấy mình đã quen hơn, bạn có thể chuyển sang vẽ về một chủ đề cụ thể nào đó, chẳng hạn như một kỷ niệm, một mối quan hệ,…. Phương pháp này sẽ giúp bạn hiểu hơn về một vấn đề còn khúc mắc nào đó và cách nó ảnh hưởng tới mình.
Tô màu
Tô màu cũng là một phương pháp thú vị bạn có thể thực hành. Phương pháp này vừa đơn giản, tiện lợi nhưng cũng có thể đem lại cho bạn có những phút giây thư giãn hiệu quả. Bạn có thể chọn tô màu những bức tranh có sẵn hoặc tự tô tranh vẽ của mình. Hãy dựa vào tâm trạng và cảm xúc của bạn và để màu sắc thể hiện chúng nhé.
Vẽ phác thảo nhanh (sketching)
Phác thảo nhanh là kỹ thuật vẽ sử dụng các các nét vẽ nhanh, đơn giản để ghi lại ý tưởng một cách nhanh chóng và tự nhiên. Bạn có thể bắt đầu bằng cách vẽ các hình khối (bình hoa, bàn, ghế,…) sau đó dần dần nâng cao độ phức tạp của đối tượng (vật nuôi, khu vườn, chợ, đường phố…). Phác thảo nhanh không yêu cầu nhiều kỹ năng vẽ, nhưng đòi hỏi bạn cần có khả năng quan sát nhanh để nắm bắt và mô phỏng lại đối tượng.
Dots drawing – vẽ dạng chấm
Nếu bạn đã quá quen thuộc với những gợi ý trên và muốn thử một hình thức mới mẻ hơn, vẽ dots có thể là một gợi ý không tồi. Vẽ dots là phương pháp nghệ thuật thể hiện hình ảnh, tranh vẽ qua các nét chấm. Phương pháp này có thể được áp dụng trên nhiều chất liệu và dụng cụ, miễn là bạn có thể hoàn thiện bức tranh bằng cách tạo ra tập hợp các chấm tròn. Vẽ dots có tính ứng dụng cao, dễ thực hiện và là lựa chọn phù hợp cho hầu hết trình độ, lứa tuổi.
Để vẽ dots, bạn chỉ cần chuẩn bị cho mình một cuốn sổ, một bút chì, hoặc một vài dụng cụ để chấm (chì màu, bút sáp, bút màu nước hoặc bông tăm,… )
Một vài lưu ý nho nhỏ khi vẽ tranh
Hãy có mặt trong giây phút hiện tại
Hãy tìm cho mình một không gian đem lại sự yên tĩnh và thật sự thoải mái, một nơi bạn có thể dành ra 20 – 30’ cho việc vẽ tranh hoặc tô màu. Nếu bạn thấy âm nhạc có thể giúp bạn nâng cao tinh thần và bình tĩnh hơn, bạn có thể bật một bản nhạc không lời mà bản thân yêu thích. Bạn cũng có thể thay đổi không khí bằng cách thực hành cùng bạn bè, hội nhóm. Để nâng cao nhận thức và chánh niệm trong quá trình vẽ, bạn nhớ hãy để ý tới âm thanh, cảm giác của việc cầm và di chuyển bút chì, bút màu nhé. Những chi tiết nhỏ bé như vậy sẽ giúp bạn có mặt trong hiện tại và tận hưởng quá trình vẽ tranh tốt hơn.
Bạn không nhất thiết cần có năng khiếu nghệ thuật
Bạn hãy gạt bỏ đi những suy nghĩ như mình vẽ như vậy là đẹp hay xấu, màu sắc và tỉ lệ đã cân đối theo tiêu chuẩn hay chưa… Hãy để cho cảm xúc dẫn lối và thể hiện chúng ra ngoài thay vì đặt một kỳ vọng, yêu cầu rõ ràng cụ thể cho bản thân. Điều quan trọng là quá trình bạn trải nghiệm và tận hưởng chứ không phải kỹ năng và kỹ thuật đằng sau bức vẽ. Bỏ qua sự nghi ngờ về khiếu thẩm mỹ hay kỹ năng, hãy tập trung vào quá trình sáng tạo của bạn. Nếu nghệ thuật của bạn giúp bạn giảm những suy nghĩ lo lắng thì nó đã hoàn thành mục đích của nó.
Be yourself – là chính mình
Để bắt đầu, bạn không cần phải trốn tránh hay cố gắng tạo một “vỏ bọc” về một phiên bản nào đó khác về mình cả. Bạn có những trải nghiệm, suy nghĩ của riêng mình và tất cả chúng đều xứng đáng được nhìn nhận một cách tôn trọng, chân thực. Khi bạn tự soi chiếu và dần thấu hiểu chính mình, có thể bạn sẽ học được cách yêu thương bản thân nhiều hơn. Vì thế hãy thành thật, can đảm nói lên tiếng nói và thông điệp của mình qua các nét vẽ. Việc thành thật có lẽ sẽ là khởi đầu của sự thanh thản cho tâm hồn.
Hy vọng bạn sẽ tìm thấy bình yên với việc thực hành vẽ tranh ! heal.thee xin gửi bạn bài thơ dưới đây thay cho lời kết:
“Hôm nay trời nắng nhẹ
fengnguyen
Mang muộn phiền ra phơi
Nỗi buồn bốc hơi mất
Hóa thành mây trên trời”
Tài liệu tham khảo
- Crystal Raypole (January 29, 2021). How to Use Drawing as a Coping Tool for Anxiety | healthline.com
- Kendra Cherry (November 09, 2023). What Is Art Therapy? | verywellmind.com
- Cathy Cassata (May 28, 2021). Does Art Therapy Help You Manage Anxiety Symptoms? | psychcentral.com