spices, kitchen, ingredients-4185324.jpg
Ayurveda Dinh dưỡng Quản lý cảm xúc Sức khoẻ tinh thần

Mối liên hệ giữa 6 hương vị và cảm xúc theo Ayurveda

Nhu cầu ăn uống, đôi khi không chỉ vì đơn thuần để duy trì sự sống mà còn để làm dịu đi những trạng thái tinh thần khó chịu. Thậm chí, trong nhiều tình huống, thức ăn còn là cách chúng ta chọn để “thể hiện” cảm xúc, thay vì đối mặt trực tiếp với những cảm xúc đó. 

Hương vị của thức ăn được ví như là một loại “ngôn ngữ,” nói lên những điều ẩn dấu sâu trong tâm hồn mỗi người. Mỗi hương vị đều là một ngôn ngữ riêng, gửi đi thông điệp không lời, nói về niềm vui, nỗi buồn, sự kỳ vọng hay hối tiếc. Ví dụ như, mùi ngọt có thể đưa bạn về những kí ức ấm áp, trong khi vị cay nồng lại giúp tạo nên một cảm giác hứng khởi…

Những cơn thèm ăn, đôi khi là cánh cửa để mở ra và khám phá thêm về tâm trạng, suy nghĩ bên trong mỗi chúng ta. Bằng cách giải mã ý nghĩa thực sự của cơn thèm ăn, bạn có thể hiểu rõ hơn xúc cảm bạn đang chìm sâu. Hệ thống Ayurveda, dựa trên quan điểm 6 vị quan trọng – ngọt, mặn, chua, cay, chát, và đắng, có cách tiếp cận thú vị để giải thích và làm việc với những cảm xúc này.

Vậy hãy cùng heal.thee tìm hiểu về 6 vị theo hệ thống y học Ayurveda, và cách hệ thống này lý giải về mối liên kết giữa 6 vị và cảm xúc nhé!

Đọc thêm: Mindful eating – Khi ăn chánh niệm cũng giúp cơ thể khỏe mạnh

Ayurveda là gì?

Ayurveda là một hệ thống y học lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ hơn 3000 năm trước. Thuật ngữ Ayurveda xuất phát từ từ tiếng Sanskrit “ayur” (cuộc sống) và “veda” (kiến thức hoặc khoa học). Do đó, Ayurveda còn có thể được dịch là kiến thức về cuộc sống. 

Dựa trên quan điểm bệnh tật xuất phát từ sự mất cân bằng hoặc căng thẳng trong ý thức con người, Ayurveda khuyến khích lối sống và phương pháp điều trị thiên về tự nhiên để khôi phục lại cân bằng giữa cơ thể, tâm trí, và tinh thần. Điều này bao gồm chế độ ăn, lối sống, môi trường sống, tâm lý, và thiền định. Ayurveda cũng coi trọng việc hiểu rõ về bản chất và mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh.

Ăn có thể giúp thỏa mãn nhu cầu của cảm xúc

Ăn theo cảm xúc là một trải nghiệm phổ biến hơn bạn nghĩ, đơn giản hầu hết mọi người đều thích ăn uống – đặc biệt khi đó là món ăn họ yêu thích. Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã thường được dạy rằng thức ăn ngon là một loại phần thưởng. Điều này tạo ra một cảm giác an toàn bất cứ khi nào chúng ta ăn món mình thích. 

Cảm xúc của bạn, có thể là hạnh phúc, tức giận, lo lắng hoặc căng thẳng, đều được tạo ra bởi sự giải phóng các hormone chuyên biệt. Điều này làm tăng cảm giác thèm ăn món ăn yêu thích của bạn.

Tần suất và mức độ mà mọi người cảm thấy thèm ăn rất khác nhau. Đối với một số người, cảm giác thèm ăn chỉ đơn giản là một ham muốn ngắn hạn — có thể bạn đã nghĩ về món ăn yêu thích của mình cả ngày và phải dừng lại để ăn một ít trên đường đi làm về. Nhưng cảm giác thèm ăn có thể mãnh liệt hơn nhiều, tăng nhu cầu phải ăn một loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như một thanh socola đúng vị, một cốc trà sữa cụ thể từ cửa hàng yêu thích…

Trong cuộc trò chuyện hàng ngày, cảm giác thèm ăn thường được dán nhãn theo một trong hai cách: ngọt hoặc mặn. Nhưng trên thực tế, mọi người thèm rất nhiều loại hương vị và loại thực phẩm: carbs, cà phê, chất béo hoặc gia vị. Cảm giác thèm ăn có thể được kích hoạt bởi các giác quan đầu vào – thị giác, khứu giác và vị giác, hoặc các yếu tố khác, chẳng hạn như cảm giác lo lắng và căng thẳng.

Ăn uống là một sự tận hưởng, mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ và thú vị. Tuy nhiên, ăn uống theo cảm xúc không phản ứng trực tiếp với cơn đói nên nó thường có thể dẫn đến ăn quá mức. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực hoặc cản trở mục tiêu sức khỏe của bạn.

Một trong những phương pháp phổ biến nhất để quản lý việc ăn uống theo cảm xúc là viết nhật ký bữa ăn. Đó là nơi bạn ghi lại những thứ bạn ăn, thời điểm bạn ăn cũng như tâm trí và cơ thể bạn cảm thấy thế nào. Điều này giúp ghép hai mảnh ghép lại với nhau: cảm giác thèm ăn và bối cảnh. 

Ngoài ra, trong nhật ký bạn có thể phân tích những đồ ăn bạn ăn mỗi ngày dựa trên triết lý Ayurveda về 6 vị ngọt, mặn, chua, cay, chát, và đắng. Bằng cách ghi chép khẩu vị ưu thích, bạn có thể phát hiện bản thân đang thực sự khao khát điều gì, mất cân bằng ở điểm nào và làm cách nào để cơ thể vật lý, tinh thần và cảm xúc của bạn hoà hợp hơn mà không cần phụ thuộc vào ăn uống.

Đọc thêm: Food & Mood – Mối liên kết giữa thức ăn và sức khỏe tinh thần

Lý giải 6 vị quan trọng theo Ayurveda

Theo Ayurveda, hương vị đóng một vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng của cơ thể, cảm xúc và tinh thần. Hệ thống này coi trọng sáu loại vị – ngọt, mặn, chua, cay, chát, và đắng – vì mỗi loại vị mang theo những đặc tính và tác động cụ thể đối với cơ địa và tâm trạng con người. Một số người trong chúng ta thích đồ ngọt, một số thích vị mặn, và một số lại ưu tiên đồ uống vị đắng cho tinh thần thêm phấn chấn!

Mê ăn đồ ngọt

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đường có thể tác động đến các vùng não giống như ma túy và rượu. Đây cũng là hương vị mà cơ thể và tâm trí chúng ta dễ mê mẩn nhất. Theo Ayurveda, vị ngọt liên kết mật thiết với tình yêu thương, lòng nhân ái, sự hài lòng, hạnh phúc, và sự nhận thức. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay với những áp lực liên tục, việc thưởng thức đồ ăn ngọt trở thành một phương tiện hiệu quả xua tan căng thẳng và tạo nên cảm giác hạnh phúc.

Nhìn chung, những người mệt mỏi thường xuyên là những người có xu hướng thèm đường. Họ thường có quá ít thời gian cho bản thân, ăn không đủ bữa, đủ chất khiến lượng đường trong máu dao động.

Tuy nhiên, khi chúng ta dung nạp đồ ngọt quá mức, những cảm xúc như tham lam, kiểm soát, dục vọng, nhu cầu được gắn kết, và những ham muốn không kiểm soát được trỗi dậy. Nói cách khác, niềm vui ngắn hạn từ đồ ngọt không thể thỏa mãn những ham muốn không giới hạn của chúng ta.

Vì vậy, trong các giai đoạn khó khăn, thay vì dựa vào đồ ngọt như nguồn an ủi chính, chúng ta có thể thực hiện một số các hoạt động khác để giúp mình vượt qua, ví dụ như mát-xa cơ thể nhẹ nhàng với dầu (abhyanga). Abhyanga là một liệu pháp mát-xa toàn thân bao gồm mát-xa đầu và mặt. Mát-xa cơ thể cũng kích thích sản xuất oxytocin (‘hormone ôm’) và serotonin (‘hormone hạnh phúc’). Thường xuyên mát-xa cho bản thân có nhiều lợi ích: giúp bạn thư giãn, giảm đau và tăng mức năng lượng. 

Khi bạn thực hành tự mát-xa cơ thể, bạn đang đưa bản thân trở lại tuổi thơ hồi mình còn bé bỏng. Và nhờ vậy có thể tự nhắc nhở bản thân thông qua những điểm chạm thân mật,  rằng bạn được yêu thương, an toàn và được quý trọng vì chính con người bạn. Đây là một nghi lễ tâm linh sâu sắc mà bạn có thể thực hiện cho chính mình.

Đọc thêm: 10 gợi ý để bạn ngưng cơn thèm ngọt

Thích ăn đồ mặn

Khi mức độ căng thẳng của bạn chạm đáy trong thời gian dài và tuyến thượng thận không thể sản xuất đủ aldosterone (Aldosterone là một loại hormone hỗ trợ giữ natri trong cơ thể), cơ thể bạn sẽ thèm muối.

Ayurveda cho rằng, khi cơ thể bạn khao khát đồ ăn mặn, đó là dấu hiệu bạn đang tìm kiếm sự sôi động và đang cần  thêm “hương vị” trong cuộc sống của mình. Muối có khả năng giúp chúng ta tỉnh táo tinh thần, tăng cường sự tự tin, và kích thích sự nhiệt huyết. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá mức, muối tạo ra sự thèm khát, bực bội, tính chiếm hữu cao, và tham lam – tất cả đều là những dấu hiệu của sự mất cân bằng trong cơ thể. 

Chính vì vậy, khi bạn muốn thêm chút “gia vị” vào cuộc sống, hãy thử mở rộng vùng an toàn của mình thay vì đơn thuần là ăn nhiều đồ mặn. Có thể bạn sẽ thấy hứng thú hơn khi tham gia một khóa học mới mà bạn đã để ý từ lâu, hoặc bắt đầu một dự án đam mê riêng của mình. Những trải nghiệm mới này còn giúp bạn phát triển kiến thức và tăng cường cảm giác hạnh phúc với bản thân, cũng như với cuộc sống xung quanh. Đôi khi, để thấy cuộc sống thú vị hơn, chúng ta chỉ cần một chút thay đổi và có đúng “liều lượng mặn” mà thôi. 

Thèm vị chua

Khi bạn cảm thấy thèm chua, Ayurveda coi đó là dấu hiệu bạn đang tìm kiếm sự rõ ràng và cần sự định hướng bởi cuộc sống bạn đang quá tải bởi đủ các loại thông tin. 

Đôi khi bạn thấy cần “đánh thức” tinh thần, và lúc này việc thưởng thức các thực phẩm có vị chua là một lựa chọn tốt. Bạn có thể thêm chút giấm vào salad, hay thêm chanh vào nước uống, hoặc tận hưởng các món ăn chua cay để tạo thêm hương vị, đồng thời thanh tẩy tâm trí. Những trải nghiệm như vậy không chỉ làm phong phú vị giác mà còn mang lại sự tỉnh táo và hứng khởi cho ngày mới. Tuy nhiên, quá nhiều vị chua trong khẩu phần ăn thì tâm lý bạn dễ nảy sinh cảm giác đố kị, ích kỷ, hận thù, và sự kìm hãm bản thân.

Bài tập hơi thở của lửa (Breath of Fire) sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho những bạn nghiện đồ chua. Breath of Fire là một dạng kiểm soát hơi thở. Việc thực hành kiểm soát hơi thể bao gồm các loại bài tập thở khác nhau mà bạn hít vào, thở ra và nín thở theo một cách cụ thể, tùy thuộc vào kỹ thuật thở bạn đang thực hiện. Trong Breath of Fire, bạn sẽ thực hành hít vào một cách thụ động và thở ra mạnh mẽ. Việc thở ra đòi hỏi bạn phải co cơ bụng, là trọng tâm chính của kỹ thuật này. Bài tập thở này không chỉ xoa dịu hệ thần kinh căng thẳng, mà còn đánh thức tâm trí và kích thích luân xa vùng bụng (trung tâm sức mạnh). Điều này giúp bạn có được sự tỉnh táo và duy trì năng lượng mà không cần phải dựa vào thức ăn chua để tìm kiếm sự hứng khởi.

Thích ăn cay

​​Những hương vị cay nồng không chỉ là niềm vui về ẩm thực, mà còn là biểu tượng của sự thách thức và sống động. Đối với những người thích ăn cay, họ muốn mỗi ngày luôn là một một cơ hội mới, một cuộc phiêu lưu mới để mở rộng ranh giới hiểu biết của bản thân và trải nghiệm những điều mới mẻ. Gia vị cay là biểu tượng của tinh thần phiêu lưu, sự đam mê và ý chí mạnh mẽ, chính những yếu tố này khiến cuộc sống trở nên thú vị và đáng sống.

Tuy nhiên, trong triết lý Ayurveda, việc tiêu thụ quá mức thức ăn cay tạo ra một trạng thái tâm lý không ổn định, dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của các trạng thái tâm lý tiêu cực như tức giận, cáu kỉnh, thiệt hơn và thiếu kiên nhẫn.

Yoga Vinyasa có thể là một giải pháp tuyệt vời cho những người ưa ăn cay. Vinyasa theo nghĩa gốc của nó từ các Tantra đầu tiên được hiểu là ‘chuỗi ý thức’, hay cách cuộc sống diễn ra từ…nhịp đập sáng tạo của cuộc sống.” Vinyasa có thể được định nghĩa là những chuyển động bên ngoài của chúng ta, biểu hiện cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Hơn nữa, Yoga Vinyasa là một chuỗi các tư thế yoga có tác dụng kết nối thể chất và tâm trí người tập, giúp kích hoạt cơ bắp, tăng cường sức mạnh và linh hoạt của cơ thể và tâm trí.

Nghiện vị chát

Chát là một cảm giác xúc giác xảy ra trong khoang miệng bởi các sản phẩm chiết xuất từ polyphenols thực vật chẳng hạn như rượu vang đỏ, chuối chưa chín, quả sung, trà,… Vị chát được miêu tả qua những cảm giác như co rút, khô và se lưỡi, và thường được bổ sung bởi vị ngọt hoặc chua.

Vị chát mang lại cảm giác vững chãi. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy ổn định, bình tĩnh hoặc tự chủ hơn khi nhâm nhi một tách trà hoặc ly rượu vang. Nói cách khác, vị chát giúp bạn tập trung tâm trí và hiểu một điều rõ ràng hơn nhiều so với trước đó, đặc biệt là về điều gì đó khó chịu.

Tuy nhiên, khi chúng ta tiêu thụ quá mức vị chát, tâm trí có thể trải qua sự biến đổi từ trạng thái ổn định sang những cảm xúc nặng nề trong tâm lý. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề cảm xúc như buồn bã, lo lắng sợ hãi, ám ảnh hay oán trách, và gặp khó khăn trong việc duy trì sự an yên.

Thay vì nhanh chóng tìm tới rượu để uống xóa nỗi buồn, bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật thiền chánh niệm. Đây là kỹ thuật thiền đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến hơi thở của bạn. Bạn theo dõi mỗi hơi thở, từng hơi vào và hơi ra, tập trung vào sự chuyển động tự nhiên của không khí qua mũi và miệng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền chánh niệm hàng ngày tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc giảm căng thẳng và lo lắng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho tâm trạng của bạn mà còn tạo nên một phương tiện tự nhiên để đối mặt với những tình huống hoặc giai đoạn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Mê vị đắng

Theu Ayurveda, tâm trạng chúng ta thấy thoải mái hơn, sự tự nhận thức cũng được gia tăng khi chúng ta trải nghiệm hương vị đắng. Sự đắng mang lại một trạng thái tinh thần rõ ràng và giúp chúng ta tách biệt một cách lành mạnh khỏi các ảnh hưởng bên ngoài. Chẳng hạn như, mọi người thường cảm thấy tâm trí trở nên minh mẫn, sáng suốt hơn và có thể làm việc học tập năng suất hơn nhiều sau khi uống một cốc cà phê! 

Vị đắng của Caffeine giúp chúng ta tỉnh táo về mặt trí tuệ, nhưng khi sử dụng quá mức trong ngày, nó sẽ khiến chúng ta nhanh kiệt sức hơn. Cảm giác “xa cách” và sự cô lập có thể trỗi dậy, tạo ra một khoảng trống tinh thần mà ta khó lòng lấp đầy. Lo lắng và hoài nghi bắt đầu xuất hiện, lấy đi sự tập trung mà vị đắng mang lại.

Ngoài ra, sử dụng quá mức vị đắng cũng có thể khiến ta trở nên không hài lòng, dễ kích động, và có đôi khi còn cảm thấy đau buồn. Thay vì mang lại sự tương tác tích cực với thế giới xung quanh, vị đắng quá mức có thể tạo ra một cảm giác “cay đắng” về mọi việc, khiến cho trạng thái tinh thần tổng thể trở nên tiêu cực.

Khi bạn khám phá các cách mở rộng tư duy và trải nghiệm sự tự nhận thức, việc viết có có thể giúp sắp xếp lại trật tự trong suy nghĩ và cảm xúc sâu lắng của bạn. Ở giai đoạn đầu, có thể bạn cảm thấy những dòng nội dung của mình vô nghĩa, nhưng qua thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng tiềm thức của mình chứa đựng nhiều thông điệp quan trọng về chính bạn. Bằng cách ghi lại những suy nghĩ của mình thường xuyên, bạn có thể đọc lại những gì bạn đã viết và xem bạn đã có gì mới thế nào trên hành trình của riêng mình.

Đồng thời, việc viết giúp kích thích sự sáng tạo và tư duy hiệu quả, bởi nó tạo ra một không gian an toàn nuôi dưỡng những ý tưởng và cảm xúc từ bên trong. Khi bạn đưa chúng ra khỏi tâm trí và đặt chúng lên giấy, bạn sẽ thấy rõ điều khiến bạn hạnh phúc và những điều tốt đẹp đã và đang diễn ra trong cuộc sống của bạn.

Ảnh: monicore | Pexel

Tóm lại, bạn có thể hình dung một cách tổng quan về mối liên kết giữa 6 vị và cảm xúc theo Ayurveda thông qua bảng tổng hợp dưới đây: 

VịNgọt (Sweet)Mặn (Salty)Chua (Sour)Cay (Pungent)Đắng (Bitter)Chát (Astringent)
Cảm xúc khi nạp đủhài lòng, đủ đầy, an vuican đảm, tự tin, nhiệt huyết sáng suốt, thấu hiểu, chắc chắnphấn khích, nhiệt huyết, đam mê, tò mònăng động, sáng suốttập trung, điềm tĩnh, ổn định
Cảm xúc khi nạp quá mứcham muốn vật chất, tham lamtham lam, tham vọng, ham muốn chiếm hữuích kỷ, mặc cảm, ghen tị, giận dữtức giận, hung dữ, mất kiên nhẫn, so đuabi quan, bất mãn, cô lậpquá nhạy cảm; sợ hãi; lo âu
Giải pháp thay thếmassage dầu (abhyanga)thoát khỏi vùng an toàn, bổ sung thảo mộc, rau gia vịtập thở breath of firevinyasa yogaviết lách, viết nhật kýthiền niệm hơi thở

Sử dụng cả 6 hương vị trong thực đơn ăn uống

Dinh dưỡng theo triết lý Ayurveda không phải là về việc hoàn thiện hay từ chối những thức ăn cụ thể, mà là về sự điều độ và tập trung tâm trí trong quá trình ăn uống. Có những loại thức ăn và đồ uống có thể gây ra sự mất cân bằng trong tâm trí và cơ thể, vì vậy điều cần chú ý là cần đa dạng hóa kiểu và vị thức ăn nạp vào cơ thể,  cũng như trải nghiệm tất cả các hương vị: chua, ngọt, mặn, cay, đắng và chát đóng vai trò rất quan trọng. 

Mục tiêu của việc sử dụng cả 6 hương vị theo Ayurveda giúp tận hưởng các món ăn, thức uống một cách tự nhiên nhất, và đáp ứng đúng nhu cầu của cơ thể và tâm hồn. Thực hành này không chỉ giúp duy trì sự cân bằng về mặt dinh dưỡng mà còn tạo ra một trạng thái vui vẻ trong việc thưởng thức thức đồ ăn, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa và tăng cường tâm trạng tích cực.


Tài liệu tham khảo

  1. Ziedman, E. (2022, February 7). The six tastes and emotions. Chopra.
  2. Hamburg, M. E., Finkenauer, C., & Schuengel, C. (2014, January 10). Food for Love: The role of food offering in empathic emotion regulation. Frontiers.
  3. Avena NM, Rada P, Hoebel BG. Evidence for sugar addiction: behavioral and neurochemical effects of intermittent, excessive sugar intake. Neurosci Biobehav Rev. 2008;32(1):20-39. doi: 10.1016/j.neubiorev.2007.04.019. Epub 2007 May 18. PMID: 17617461; PMCID: PMC2235907.
  4. Jessica Migala (2023). What Is Abhyanga? A Beginner’s Guide to Ayurvedic Self-Massage. Everyday Health
  5. Food Cravings 101: Discover What Your Food Cravings Mean. Ask the Scientists

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *