“Tắm rừng là một quá trình chậm rãi và chú tâm, dùng lời mời để đưa mình quay về với chính mình, để cơ thể và các giác quan dẫn dắt mình”. Xoay quanh chủ đề tắm rừng, mời bạn lắng nghe những chia sẻ và trải nghiệm thú vị của chị Dương Thuỳ Ly – Forest therapy guide trong cuộc trò chuyện dưới đây cùng heal.thee.
Khoảnh khắc “chạm” vào sự thô ráp của những thân cây là toàn bộ sự yếu mềm của mình được cởi bỏ một cách thật an toàn
Đầu tiên, cảm ơn chị đã dành thời gian cho heal.thee; có một điều rất may mắn là hôm nay là một buổi tối cuối tuần với tiết xuân mát mẻ*, và heal.thee nghĩ đây chính là một khởi đầu lý tưởng để chúng ta có những chia sẻ thật thoải mái và thú vị cùng nhau. Không biết, cơ duyên nào đã đưa chị đến với hướng dẫn viên tắm rừng?
Khi nhìn lại, chị nghĩ đây đúng là “cái duyên” và nó cũng là một hành trình khá là dài mà chị thấy mọi thứ đến thật tự nhiên và đúng lúc. Trước đó, trong một chuyến công tác tại Đà Nẵng, chị được tham gia vào hoạt động đi bộ trong rừng tại một khu bảo tồn thiên nhiên. Đó cũng là lần đầu tiên chị được trải nghiệm tắm rừng. Đi bộ chân trần trong im lặng, chị cảm nhận được sự tĩnh lặng len lỏi vào tâm hồn mình. Cái cảm giác bình yên, dễ chịu đó vẫn ở đó trong chị suốt thời gian sau đấy.
Sau đó hai năm, khi chị học thạc sĩ, trong chương trình có một môn là Sense of place mà chị hay gọi là Cảm thức nơi chốn, và chính môn học này đưa chị đến với Tắm rừng thêm một lần nữa. Lớp học diễn tra trong một khu rừng, và lúc đó lại rơi vào chính thời gian COVID-19, khi mọi tương tác xã hội đều phải hạn chế. Chị cảm thấy mình đang ở một trạng thái giữa “ranh giới mong manh”, và luôn luôn phải tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hết sức có thể để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thời điểm đó chị nghĩ mình đã có cơ hội được trải nghiệm tắm rừng trị liệu một cách trọn vẹn hơn. Tụi chị cùng nhau đi bộ trong khu rừng 3 – 4 tiếng, giây phút ấy chị cảm nhận được một sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên và con người xung quanh mình. Chị thấy mình “trần trụi” hơn, “yếu mềm” hơn và thực sự cảm thấy được “chạm” vào, được an toàn.
Có một hoạt động rất đặc biệt trong tắm rừng đó là “lời mời”. Mình sẽ để bản thân tự do đi xung quanh và để cơ thể tự nhiên kết nối với bất kỳ một cái cây nào ở đó. Khi từ từ chạm tay vào sự thô ráp của thân cây, bất giác chị cảm thấy mình như được cởi bỏ mọi gánh nặng, được bảo vệ và che chở bởi cây cối. Mọi thứ lúc đó thật tuyệt vời.
Sau đó, chị muốn tìm hiểu thêm về tắm rừng và cô giáo của chị có kết nối chị với một hướng dẫn viên tắm rừng. Buổi đầu tiên, tụi chị thực hành ngay tại sân sau của nhà chị ấy luôn. Thêm một lần nữa, chị thấy cảm thấy mình được trở về với chính mình, chân thực và nguyên bản.
Đấy hành trình của chị đã bắt đầu như thế, những trải nghiệm kết nối với thiên nhiên, dù có chủ đích hay không, chúng đều rất “chạm”, rất con người và mang đến rất nhiều cảm xúc cho chị. Đó cũng là lý do chị bắt đầu tìm hiểu và tham gia các khóa học về “tắm rừng trị liệu”.
Vậy ngoài những khoảnh khắc, những cảm xúc mà chị có được trong lúc tham gia tắm rừng, bây giờ dưới vai trò là một hướng dẫn viên tắm rừng, chị thấy lợi ích lớn nhất mà hoạt động này mang lại là gì?
Thời gian đầu, khi mới bắt đầu tìm hiểu về tắm rừng, chị tiếp cận dưới góc độ khoa học, chị tâp trung vào các con số, vào các nghiên cứu để tìm câu trả lời cho câu hỏi là “tại sao phải làm cái hoạt động này”. Sau đó, chị tiếp cận dưới một góc độ khác là nature learning based (tạm dịch: tiếp cận dưới góc độ tự nhiên); đồng thời cũng là một người làm việc trong lĩnh vực tự nhiên nhiều năm, chị có thể tự tin chia sẻ rằng, tắm rừng giúp con người tìm lại sự bình yên bên trong mình và cảm nhận rõ ràng hơn mối liên kết với thế giới xung quanh, chúng ta là một phần không thể tách rời của thiên nhiên.
Bên cạnh đó, chị nghĩ là mỗi người có một định nghĩa riêng, thậm chí các tổ chức, các quốc gia khác nhau cũng có thể có những điểm khác nhau khi nói tắm rừng. Với chị, nói nôm na đó chính là cảm giác thoải mái khi ở ngoài trời, và chỉ cần muốn bạn có thể thử trải nghiệm.
Chị tin rằng, tắm rừng không chỉ là một thuật ngữ, và có thể cách thức khác nhau để thực hành nhưng về bản chất, tắm rừng vẫn là “gathering” để kết nối với bản thân, với đội nhóm và với môi trường xung quanh.
Đọc thêm: Tắm rừng – Nghệ thuật đắm chìm vào thiên nhiên của người Nhật
Khoảnh khắc nào trong hoạt động này khiến chị thích nhất, Chị có thể kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của mình về trải nghiệm “tắm rừng”
Với vai trò là một hướng dẫn viên tắm rừng, chị luôn mong muốn tạo ra một không gian để mọi người được trải nghiệm một cách chân thành và chân thật nhất. Dưới góc độ là một cá nhân, một con người chị cũng có những kỳ vọng và cảm xúc riêng trong suốt quá trình đó.
Dù vậy, trong tắm rừng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để bản thân mình thật tự nhiên, không nghiêng về bất kỳ điều gì mà đón nhận mọi thứ như nó là. Đây là cơ hội để chị mời gọi bản thân mình, cởi mở và tự do khám phá; đây cũng là dịp để chị làm việc với bản thể của chính mình. Mỗi buổi tắm rừng là một trải nghiệm khác nhau, và qua mỗi lần, chị lại có cơ hội soi chiếu, nhìn lại bản thân mình.
Thật khó khi phải nói khoảnh khắc nào chị thích nhất vì mỗi giây phút đều có những ý nghĩa riêng. Nhưng có lẽ, khoảng thời gian “gathering” – khi chị và các thành viên trong nhóm cùng nhau chia sẻ những gì mình đã thu nhận được từ thiên nhiên luôn là khoảnh khắc khiến chị thấy nhớ nhất, ấn tượng nhất. Đó là lúc tất cả đều rất “con người”, ai cũng sẵn sàng bộc lộ những phần sâu thẳm trong mình. Và một xíu xiu điều nhỏ bé tuyệt vời nữa đó là cùng nhau được ở giữa thiên nhiên, ngồi dưới những tán cây xanh mát.
Theo chị, yếu tố nào ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả của hoạt động này, và nên thực hành hoạt động này bao lâu một lần
Điều này thì chị nghĩ là, khi thực hành thì liệu mình có đặt ra ý định và kỳ vọng nào không. Nếu mình đặt mục tiêu cụ thể thì cần có công cụ để đo lường kết quả. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, chị thấy hiệu quả thực sự của tắm rừng đến từ việc lắng nghe phản hồi của mọi người – những người tham gia ngày hôm đó.
Hầu hết, những người tham gia cùng chị đều chia sẻ rằng họ đã có những giây phút chậm lại và cảm nhận được mọi thứ xung quanh. Đặc biệt, với những người ít có cơ hội ra ngoài hay ít có hoạt động kết nối với bản thân cảm thấy họ đã có không gian để nghỉ ngơi và nhìn nhận lại xem điều gì là thực sự quan trọng với họ. Trong những lần thực hành cùng mọi người, có những cô lớn tuổi sống đơn thân hay những bạn trẻ đang mang bầu đều tâm sự với chị rằng khi tham gia tắm rừng, họ có cơ hội để trút bỏ áp lực, những áp lực mà đang phải đối mặt hằng ngày.
Chị nghĩ rằng, tắm rừng tạo ra những khoảnh khắc “chạm”, giúp mọi người tìm thấy hoặc nhận ra một điều gì đó mà bấy lâu nay họ chưa kịp nhận ra hoặc đã bỏ quên từ lâu. Điều quan trọng là, mọi người sẵn sàng chấp nhận và dành thời gian để tham gia, cùng nhau trải nghiệm.
Còn tần suất thực hành tắm rừng chị thấy là phụ thuộc vào sự sẵn sàng và nhu cầu của mỗi người. Khi bạn thực hành và cảm nhận, bạn sẽ biết thế nào là đủ, hay lúc nào cần thêm và lúc nào cần bớt. Thậm chí, chỉ cần 5-10 phút mỗi ngày cũng đủ để bạn cảm nhận được sự khác biệt.
Đọc thêm: 8 Bước thực hành Tắm rừng hiệu quả (Forest Bathing)
Trong quá trình hướng dẫn tắm rừng của mình chị có gặp khó khăn nào không?
Cũng có những khó khăn nhất định, và ở mỗi nơi lại có những khó khăn khác nhau. Khi chị tổ chức tắm rừng ở Mỹ, do mạng lưới kết nối của chị giới hạn. Chị phải kết hợp với nhiều tổ chức khác nhau như các vườn quốc gia và tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc tìm kiếm được đối tác phù hợp thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, trước khi một buổi đi bộ trong rừng diễn ra, chị cần chuẩn bị rất nhiều, có nhiều giai đoạn khác nhau mà mình phải để ý từng chút.
Trong khi đó ở Việt Nam, thì vấn đề lớn nhất chị gặp phải đó là à không gian. Thiếu những không gian tự nhiên an toàn và thoải mái để thực hành tắm rừng. Thường thì những không gian tự nhiên này nằm ở ngoại thành hoặc trong các vườn quốc gia, do đó mất nhiều thời gian và năng lượng để di chuyển và chuẩn bị hậu cần.
Tất nhiên, một thách chung mà chị nghĩ dù ở đâu cũng cần phải quan tâm đó là tạo ra một không gian chân thành và chân thực để mọi người có thể kết nối với bản thân. Quá trình này đòi hỏi sự khéo léo trong cách truyền đạt thông tin và hướng dẫn để giảm bớt những kỳ vọng không thực tế của mọi người, đồng thời giúp họ thực sự tận hưởng và nhận ra giá trị của tắm rừng.
Chị thấy mình có sự thay đổi nào kể từ khi bắt đầu thực hành hoạt động tắm rừng không, nếu có thì chị thay đổi như thế nào?
Chị thấy mình đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Trước hết, chị học cách thả lỏng và buông bỏ những kỳ vọng về bản thân cũng như về mọi người tham gia, về hiệu quả của việc thực hành. Chị từ từ đón nhận và chấp nhận nó một cách tự nhiên.
Chị thấy mình trở nên hòa đồng, cởi mở hơn với mọi người. Tôi đã may mắn được gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người từ nhiều hoàn cảnh và nền văn hóa khác nhau. Sự đa dạng này giúp tôi mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm, không còn gò bó trong vòng tròn nhỏ bé của mình.
Đặc biệt, với chị tắm rừng vẫn là một thực hành cá nhân. Chị sử dụng các kỹ thuật và “lời mời” để quay trở về với bản thân, quá trình này giúp nhận thức rõ hơn về cảm xúc và trạng thái của mình. Để học cách điều chỉnh và cân bằng nó.
Cảm xúc của chị khi nhìn lại hành trình, trải nghiệm của mình trong suốt thời gian qua?
Chị cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn. Chị may mắn và biết ơn vì có đủ “duyên” để bước vào không gian này và gặp gỡ mọi người với rất nhiều sắc màu.
Chị biết ơn vì không gian này đã cho phép chị thể hiện và kết nối với bản thân với mọi người xung quanh, với thiên nhiên cỏ cây hoa lá; và giúp chị học cách “hold space” – tạo ra một môi trường an toàn và chân thành để mọi người có thể thoải mái tương tác và kết nối.
Chị có chia sẻ thêm điều gì hay có lời khuyên nào với những người đang tìm kiếm sự kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên qua việc thực hành tắm rừng không?
Chị khuyến khích mọi người nên trải nghiệm tắm rừng cùng với một người hướng dẫn để hiểu rõ và thực sự cảm nhận được lợi ích của hoạt động này. Tuy nhiên, nếu không thể tham gia cùng hướng dẫn viên, bạn vẫn có thể tận hưởng bằng cách tự mình ra ngoài, di chuyển chậm rãi và quan sát xung quanh. Hãy mời gọi các giác quan của mình tham gia vào trải nghiệm, để cơ thể dẫn dắt và tin tưởng vào những cảm nhận của mình: chậm lại và chú tâm.
Ban đầu, bạn không nên quá kỳ vọng, cũng không cần gò ép bản thân. Một khó khăn chung mà nhiều người gặp phải là tâm trí không thể hoàn toàn tập trung ở giây phút đó được. Nhưng qua mỗi buổi tắm rừng, bạn sẽ dần biết cách chú tâm hơn, có điểm neo để bám vào. Đây là một hành trình đi cùng nhau, nơi bạn học cách theo dõi hơi thở, lắng nghe các giác quan và kích thích sự tò mò. Nên là, bạn cứ từ từ, không cần vội vã.
Bạn cũng có thể tắm rừng một mình, tùy thuộc vào trạng thái và cảm xúc của bạn tại thời điểm đó. Hãy tự hỏi mình muốn ở trong không gian thế nào và theo dõi những cảm nhận đó.
*Buổi phỏng vấn được hea.thee thực hiện vào tháng 3/2024
Bài phỏng vấn này được trích từ Ấn phẩm “Chạm” 01 của heal.thee. Mời bạn đọc toàn bộ ấn phẩm hoặc tải về ở đây.