mindful cooking
Dinh dưỡng Lối sống

Mindful cooking – Nghệ thuật nấu ăn trong chánh niệm

Nấu ăn trong chánh niệm mở ra không gian cho chúng ta lắng nghe, cảm nhận, và trân trọng từng yếu tố, từng hành động trong quá trình nấu nướng. Quá trình này không chỉ nâng cao chất lượng của bữa ăn mà còn giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về mối liên kết giữa tâm hồn và thể chất qua từng bữa ăn. Đây được xem là hành trình đưa nấu ăn trở thành nghệ thuật sống, là bài học về sự chăm chút và yêu thương qua từng hương vị, từng món ăn.

Nấu ăn trong chánh niệm là gì? 

Nấu ăn trong chánh niệm là một hành trình tập trung vào việc cảm nhận và trải nghiệm mọi khía cạnh của quá trình nấu ăn một cách sâu sắc. Khi nấu ăn, người thực hành chánh niệm đặt toàn bộ tâm trí của mình vào từng công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu, cảm nhận hương vị, mùi thơm, cho đến những động tác nhỏ như cắt, nấu, trộn. Mỗi hành động đều được thực hiện với sự chú tâm và nhận thức đầy đủ, giúp người nấu kết nối sâu sắc với thức ăn và quá trình chuẩn bị.

Hay nói ngắn gọn, khi chúng ta tiếp cận với việc nấu ăn như một bài tập chánh niệm, chúng ta đang trải nghiệm những khoảnh khắc trong thực tại với mỗi bước nấu nướng và mọi vật dụng nấu ăn mà chúng ta sử dụng. Những bước nấu nướng ấy có thể đơn giản chỉ là là thái hành tây, khuấy/ nếm súp, trộn các loại gia vị để làm nước sốt,… Và dù là thao tác gì, chúng ta luôn giữ sự hiện diện của bản thân trong suốt quá trình ấy. 

Nếu như thiền định, sử dụng hơi thở để làm chỗ dựa cho tinh thần, thì trong nấu ăn chánh niệm, hãy để sự tập trung của chúng ta vào từng bước cụ thể của việc chế biến từng món ăn. Quá trình này không chỉ là việc tạo ra một bữa ăn ngon mà còn là cách thức để nuôi dưỡng tâm hồn, mang lại sự bình an và hài hòa giữa tâm và thân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì sao chúng ta nên nấu ăn một cách chánh niệm?

Ngoài việc tìm thấy niềm vui trong việc nấu những món ăn yêu thích của mình, thì nấu ăn trong chánh niệm còn là cách để chúng ta xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn đối với bản thân.

Jason Briscoe | Unsplash

Nấu ăn chánh niệm giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc tốt hơn

Nấu ăn khiến chúng ta tập trung một cách sâu sắc, bởi tất cả các giác quan của chúng ta đều được kích hoạt cùng lúc để có thể thực hiện những món ăn. Khi chúng ta tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể trong quá trình nấu ăn, như chọn lựa nguyên liệu hay điều chỉnh hương vị, chúng ta dần “đánh lạc hướng” bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Việc này không chỉ giúp chúng ta có cảm giác kiểm soát và làm chủ quá trình nấu ăn mà còn giúp thay đổi cách nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống.

Ngoài ra, nấu ăn trong chánh niệm cũng là cơ hội cho chúng ta tự nhìn nhận và học hỏi trong suốt quá trình này. Bản chất của phương pháp nấu ăn còn gợi nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc phân chia công việc thành nhiều phần nhỏ, giúp giảm bớt cảm giác quá tải. Khi nấu ăn, việc chia nhỏ các công đoạn giúp chúng ta dễ dàng quản lý và thực hiện, tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và thoải mái hơn.

Nấu ăn trong chánh niệm là một hình thức tự chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân không chỉ giới hạn ở việc duy trì sức khỏe thể chất, mà còn bao gồm việc chăm sóc cảm xúc và tinh thần của chúng ta. Hoạt động chăm sóc bản thân có thể là những việc mà chúng ta thực hiện hàng ngày, đem lại cảm giác thoải mái và yêu đời. Nấu ăn trong chánh niệm chính là một cách hiệu quả để thực hành chăm sóc bản thân, bởi nó kết hợp việc chuẩn bị thức ăn – một nhu cầu cơ bản – với sự tập trung và thư giãn. Đây cũng là dịp để thử nghiệm và thách thức bản thân với những điều mới mẻ như sáng tạo một món ăn mới, tìm ra một công thức hay ho,…

Bên cạnh đó, khi chúng ta dành thời gian để tập trung vào việc nấu ăn cùng người thân,  không chỉ giúp chúng ta kết nối với họ thông qua một hoạt động chung, mà còn tạo ra một cảm giác thuộc về và chia sẻ. 

Có thể nói, nấu ăn trong chánh niệm trở thành một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện của chúng ta, từ thể chất đến tinh thần.

Đọc thêm: Food & Mood – Mối liên kết giữa thức ăn và sức khỏe tinh thần

Nấu ăn trong chánh niệm cải thiện sự tập trung tinh thần 

Trong môi trường kỹ thuật số hiện đại, chúng ta dễ dàng bị phân tâm bởi các thiết bị di động và thông báo trực tuyến, khiển cho việc khả năng tập trung trở nên khó khăn hơn. Thông qua việc tạo ra một không gian yên tĩnh và  chỉ chú tâm vào những việc hiện tại, từng thao tác, nguyên liệu,…khi nấu ăn, chúng ta có thể rèn luyện nhận thức và sự tập trung của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến việc tạo môi trường nấu ăn phù hợp. Ví dụ như chúng ta có thể bắt đầu bằng việc để điện thoại ở phòng khác, sử dụng sách dạy nấu ăn thay vì công thức trực tuyến, hoặc tắt thông báo trên điện thoại, máy tính bảng,… Một môi trường yên tĩnh, không có sự ảnh hưởng của các thiết bị điện tử không chỉ giúp giảm thiểu sự phân tâm mà còn giúp chúng ta tập trung hơn vào từng bước trong quá trình nấu ăn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thử thách mình bằng những công thức nấu ăn phức tạp hơn. Việc này vừa khơi gợi làm tăng hứng thú trong việc nấu nướng vừa giúp chúng ta duy trì sự tập trung.

Nấu ăn trong chánh niệm giúp phát triển sự tự tin cá nhân

Nấu ăn trong chánh niệm không chỉ là việc tuân theo các công thức nấu ăn, nó còn là quá trình phát triển sự tự tin cá nhân thông qua việc thể hiện cá tính và sự sáng tạo trong từng món ăn. Mặc dù luôn có những công thức nấu ăn chung nhưng mỗi người có thể biến tấu nó theo từng cách riêng, phù hợp với khẩu vị bản thân và gia đình

Không chỉ vậy, hương vị của mỗi món ăn không chỉ phụ thuộc vào nguyên tắc nấu nướng mà còn ẩn chứa dấu ấn cá nhân, liên kết với ký ức và trải nghiệm của mỗi người.

Khi nấu ăn trong chánh niệm, chúng ta phát triển nhận thức về khẩu vị riêng và tự tin thể hiện và quyết định qua từng công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu cho đến phương pháp nấu nướng. Và dưới góc độ này có thể nói, nấu ăn là một cơ hội rèn luyện và thể hiện sự sáng tạo, đồng thời phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho mỗi người. Bởi, sự tự tin và khả năng ứng biến linh hoạt trong nhà bếp có thể ảnh hưởng tích cực đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống của chúng ta. 

Nấu ăn trong chánh niệm giúp chúng ta kết nối với chính mình và người thân

Nấu ăn giúp kích thích các giác quan đặc biệt là khứu giác. Có một điều thú vị là khứu giác của con người có liên hệ mật thiết với trí nhớ không tự nguyện. Đây là lý do tại sao chúng ta thường hướng đến những món ăn yêu thích của mình. Bởi vì việc chế biến một bữa ăn thường khiến chúng ta liên tưởng đến khoảng thời gian tích cực trong cuộc sống, giúp chúng ta một lần nữa sống lại cảm xúc đó trong hiện tại. 

Thực phẩm và việc nấu ăn có một khía cạnh cảm xúc sâu sắc mà chúng ta có thể khám phá và tận dụng. Khi chuẩn bị một bữa ăn, việc lựa chọn các công thức có ý nghĩa cá nhân, như một món ăn yêu thích từ thời thơ ấu hoặc một món ăn truyền thống từ văn hóa của chúng ta, không chỉ tái tạo lại hương vị mà còn gợi nhớ ký ức và cảm xúc thân quen, hạnh phúc, từ đó tăng sự gắn kết với gia đình, người thân. 

Việc đặt ra một mục đích yêu thương trước khi nấu ăn sẽ khuyến khích chúng ta mở rộng cảm giác ấm áp này sang những khía cạnh khác trong cuộc sống của mình. Xem nấu ăn như một cơ hội để mở rộng thực hành chánh niệm, chúng ta có thể biến việc nấu ăn từ một chức năng thuần túy thành một hành trình phát triển bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn, và tăng cường mối liên kết với người khác thông qua thức ăn.

Các bước để thực hiện nấu ăn trong chánh niệm

Mặc dù nấu ăn trong chánh niệm có vẻ đơn giản, thực tế lại đòi hỏi sự chú ý tỉ mỉ đến nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình chuẩn bị và thực hiện. Để trải nghiệm nấu ăn trong chánh niệm một cách trọn vẹn, cần phải tập trung vào từng chi tiết nhỏ, từ việc lựa chọn nguyên liệu, cảm nhận hương vị, cho đến các bước thực hiện cụ thể.

Edgar Castrejon | Unsplash

Chú ý đến từng bước trong quá trình nấu ăn

Để thực hành nấu ăn trong chánh niệm, mọi bước đều cần được thực hiện với sự nhận thức và tập trung. Quá trình này bắt đầu ngay từ khi chúng ta quyết định những món ăn mà mình sẽ nấu hôm nay hoặc ngay từ lúc chúng ta lên thực đơn cho mỗi tuần. Mỗi quyết định, từ việc lựa chọn thực phẩm, mua nguyên liệu, đến khi trở về nhà bếp, đều là cơ hội để thực hành chánh niệm.

Chú ý đến từng bước trong quá trình này không chỉ giúp chúng ta lựa chọn nguyên liệu phù hợp và chuẩn bị món ăn hiệu quả, mà còn là cách để chúng ta kết nối sâu sắc hơn với công việc nấu nướng. Mỗi hành động, dù là nhỏ nhất, khi được thực hiện với sự nhận thức đầy đủ, có thể biến quá trình nấu ăn thành một trải nghiệm phong phú, ý nghĩa, góp phần tăng cường sự tập trung và sự hiểu biết về chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy đặt ra những mục tiêu

Đặt ra mục tiêu cụ thể là một phần quan trọng của việc nấu ăn trong chánh niệm. Khi bắt đầu quá trình nấu ăn, hãy dừng lại một chút để tự hỏi bản thân: Tại sao chúng ta lại chọn nấu món ăn này? Để giúp chúng chăm sóc cơ thể, kết nối với gia đình, tái hiện một ký ức đặc biệt hay thử thách bản thân với một công thức mới. Sự nhận thức này giúp chúng ta không chỉ tập trung vào quá trình nấu nướng, mà còn kết nối sâu hơn với ý nghĩa và cảm xúc mà món ăn đem lại.

Chú ý tới tâm trạng của bạn trước và trong khi nấu

Việc lưu ý đến tâm trạng khi bắt đầu chuẩn bị món ăn cũng quan trọng. Tình trạng tinh thần của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nấu nướng và thậm chí là hương vị của món ăn. Do đó, nhận thức về cảm xúc của bản thân trước và trong khi nấu ăn không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm nấu nướng, mà còn là cách để chúng ta thực hành chánh niệm một cách hiệu quả, đem lại sự hài lòng và niềm vui từ việc nấu nướng.

Trong quá trình thực hiện việc chuẩn bị thức ăn, chúng ta có thể trả lời những câu hỏi như sau: Chúng ta có đang coi việc chuẩn bị thức ăn như là làm một công việc nhà hay là một cơ hội để chúng ta sáng tạo, chúng ta có  nhận thức được tâm trạng của mình và chấp nhận nó như hiện tại mà không phán xét nó không? Chúng ta đang đói đến mức nào và ta nhận thức được cảm giác đói trong cơ thể mình như thế nào?

Trân trọng các món ăn

Một phần của trải nghiệm nấu ăn trong chánh niệm là cảm giác biết ơn đối với các món ăn tuyệt vời mà chúng ta có được. Hãy nhận biết các nguyên liệu mà chúng ta chọn để hấp thu vào cơ thể, hãy nhìn chúng bằng tâm trí của người mới bắt đầu và xem chúng ta có thể chú ý những điều mới mẻ gì từ chúng.

Chúng ta có thể tự hỏi những nguyên liệu này đến từ đâu và chúng phải đi bao xa để cuối cùng có mặt trong tủ lạnh hoặc tủ bếp của chúng ta, hoặc cân nhắc xem có bao nhiêu người đã tham gia trồng, vận chuyển và bán thực phẩm. Sau đó, khi ta gọt vỏ, thái nhỏ và chuẩn bị thức ăn, liệu ta có thể đánh giá được màu sắc, hương vị, cảm giác trên ngón tay, âm thanh, sự thay đổi kết cấu không? Chúng ta có thể tập trung vào những gì mình đang làm, từng giây phút như thể đó là điều duy nhất mình phải làm không?

Chỉ tập trung vào một thứ 

Mặc dù những thứ như âm nhạc có thể làm trải nghiệm nấu ăn thêm thú vị, nhưng cũng có thể khiến ta xao nhãng trong quá trình nấu nướng. Vì vậy để việc nấu ăn trong chánh niệm được trọn vẹn, bạn hãy tắt những thứ gây xao nhãng như Youtube, TV hay podcast,…những thứ kéo chúng ta ra khỏi những trải nghiệm được hiện diện trong những món ăn mà chúng ta đang chế biến. 

Quan sát và cảm nhận qua các giác quan

Cách cuối cùng để thực hành chánh niệm – cho dù đó là khi đang nấu ăn hay khi thiền định – là xem xét từng giác quan của chúng ta khi thực hiện các hoạt động đó. Hãy tập trung vào các giác quan của chúng ta. Chúng ta cảm thấy thế nào khi ta rửa nho trên tay? Khi nước sôi nghe có âm thanh như thế nào? Rau luộc có màu gì?…

Hãy kết nối với sự trải nghiệm những cảm giác này để đưa chúng ta vào khoảnh khắc chánh niệm. 

Ăn trong chánh niệm

Sau khi được chuẩn bị, đã đến lúc phục vụ bữa ăn cho chính bản thân, bạn bè, gia đình hoặc thực khách. Hãy trình bày món ăn với tinh thần phục vụ và lòng biết ơn trong chánh niệm. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để ban phước lành cho thức ăn, bằng cách nói thầm hoặc nói to, theo cách bày tỏ lòng biết ơn cũng như nhận ra rằng chúng ta thật may mắn biết bao khi có thể cùng nhau chia sẻ bữa ăn.

Nhà sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một quan sát sâu sắc: “Khi ta chuẩn bị một bữa ăn với nhận thức về nghệ thuật, nó sẽ ngon và tốt cho sức khỏe. Khi ta đặt cái tâm, cái tình, sự quan tâm của mình vào bữa ăn, thì người ta sẽ ăn cái tình cảm của ta. Mọi người có thể thưởng thức bữa ăn một cách trọn vẹn bằng cả cơ thể và tinh thần, giống như ta đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.” 

Hy vọng bài viết này đã cho bạn nguồn cảm hứng để bắt đầu thực hiện việc nấu ăn trong chánh niệm!

Đọc thêm: Mindful eating – Khi ăn chánh niệm cũng giúp cơ thể khỏe mạnh


Tài liệu tham khảo 

  1. Headspace, What is mindful cooking and how to practice it?
  2. Adamantia Velonis (30.01.2021), Five benefits of mindful cooking, Happiful. 
  3. Megan Blandford (6.11.2017), How to master the art of mindful cooking? , The Sydney Morning Herald. 
  4. Adam Brady (17.7.2020), Conscious cooking: Prepare meals with mindful awareness, Chopra. 
there's an immense universe inside my head

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *