Quản lý stress Sức khoẻ tinh thần

News anxiety – Tin tức có thể là nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu

Tin tức là nguồn thông tin quan trọng, tuy nhiên tin tức cũng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần nếu bạn tiếp nhận chúng quá nhiều. Có phải bạn cũng từng trải qua cảm giác lo lắng, căng thẳng khi đọc những tin tức trên mạng xã hội không? Nếu vậy, bạn không đơn độc, lo lắng vì tin tức là một tình trạng rất phổ biến. 

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy cùng tham khảo một vài gợi ý của chúng mình để vượt qua nó, trong bài viết dưới đây nhé.

News anxiety là gì?

News anxiety là tình trạng chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc buồn bã khi tiếp xúc với quá nhiều thông tin hoặc tin tức, đặc biệt là những tin tức tiêu cực. Người gặp tình trạng news anxiety có thể cảm thấy bất lực, sợ hãi, hoặc tức giận trước những sự kiện xấu xảy ra xung quanh.

Cảm giác lo lắng, sợ hãi vốn là một trong những cảm xúc cơ bản của con người. Theo bản năng phòng vệ, chúng ta có xu hướng chú tâm đến những thứ có khả năng gây nguy hiểm cho mình nhiều hơn (hay còn được gọi là negativity bias – thiên kiến xác nhận). Tuy nhiên nếu việc tiếp nhận thông tin của bạn đi kèm với phản ứng cảm xúc quá mạnh như kể trên, nó có thể là dấu hiệu của news anxiety (rối loạn lo âu do tin tức).

Nguyên nhân gây ra tình trạng “news anxiety”

News anxiety có thể xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn thường dễ bắt gặp tình trạng này ở những người trẻ hơn do đây là nhóm đối tượng hàng ngày tiếp xúc với lượng thông tin lớn và liên tục. Vấn đề này có thể xuất phát từ một trong các lý do như: 

  • Sự dồn dập của tin tức

Ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận với tin tức mọi lúc mọi nơi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Điều này có thể khiến chúng ta bị choáng ngợp bởi lượng thông tin quá lớn và khó kiểm soát. Nhiều tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, lo âu, và áp lực cho chúng ta.

  • Sự thiếu chính xác của tin tức

Không phải tất cả các nguồn tin tức đều đáng tin cậy và chính xác. Một số nguồn tin tức có thể có động cơ thiên vị, sai lệch, hoặc gây sốc nhằm thu hút sự chú ý của đám đông. Điều này có thể khiến chúng ta bị nhầm lẫn, hoang mang, hoặc nghi ngờ về những gì đang xảy ra xung quanh mình.

  • Tổn thương tâm lý

Tổn thương tâm lý có thể là nguyên nhân khác của news anxiety. Nó làm tăng độ nhạy cảm và lo lắng của người bị tổn thương trước những tin tức tiêu cực. Khi một người có những ký ức ám ảnh hoặc đau buồn tiếp xúc với những tin tức tiêu cực liên quan, nỗi đau của họ có thể bị nhắc lại. 

Họ cảm thấy mình đang phải đối diện lại với những sự kiện đã từng trải qua và xuất hiện cảm giác lo lắng, bất an điều tồi tệ đó có thể tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, họ thường được củng cố những quan điểm về bản thân và người khác khi đọc những tin tức tiêu cực tương đồng. Điều này có thể làm cho họ càng cảm thấy tệ hơn và khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của news anxiety.

  • Thiếu kỹ năng xử lý thông tin và cảm xúc

Chúng ta sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những nguồn tin tức không đáng tin cậy nếu không biết cách kiểm tra nguồn gốc, độ chính xác, và mục đích của nó. Từ đó dễ dẫn đến những cách đối phó không hiệu quả như trốn tránh, phủ nhận hoặc hoang mang.

Hệ quả 

  • Suy giảm sức khỏe tâm thần

News anxiety có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, căng thẳng, buồn bã, hoặc trầm cảm. Nếu không được xử lý kịp thời, những triệu chứng này có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần nghiêm trọng, như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn cấp tính sau chấn thương, hoặc rối loạn ăn uống.

  • Suy giảm sức khỏe cơ thể

News anxiety cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khác như gây ra các tình trạng mất ngủ, đau đầu, đau bụng, huyết áp cao. Một nghiên cứu còn cho thấy news anxiety có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các vấn đề sức khỏe lâu dài.

  • Suy giảm chất lượng cuộc sống

News anxiety có thể làm giảm chất lượng cuộc sống bởi nó sẽ góp phần làm mất đi sự lạc quan, niềm tin, và hy vọng của người tiêu thụ thông tin. Người bị news anxiety có thể tránh xa bạn bè, gia đình, hoặc các hoạt động yêu thích và dễ dàng bị kích động, cáu gắt, hoặc cô đơn, bất an. Khi rơi vào trạng thái này, họ có thể phát triển những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, hoặc nghiện mạng xã hội để giải tỏa sự lo lắng của mình.

Một số gợi ý khắc phục tình trạng này

Hạn chế lượng tin tức của bạn

 Nhiều người trong chúng ta có thể thấy mình tiếp xúc với tin tức một cách tự nhiên suốt cả ngày, cho dù đó là qua mạng xã hội, truyền hình hay trò chuyện với mọi người. Do đó, điều quan trọng là phải lưu ý đến lượng thông tin chúng ta sẵn sàng tiếp thu và đặt ra ranh giới để không vượt quá những gì chúng ta cảm thấy thoải mái. Ranh giới của chúng ta có thể linh hoạt tùy thuộc vào cảm giác của chúng ta ngày hôm đó. Ví dụ: nếu chúng ta đang phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể muốn tránh tin tức vì nó có thể làm trầm trọng thêm những cảm xúc này.

Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý như:

  • Chọn một khung giờ nhất định trong ngày để kiểm tra tin tức 
  • Hạn chế xem tin tức trước khi đi ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn 
  • Tắt hoặc hạn chế thông báo tin tức trên các thiết bị 
  • Hủy theo dõi các trang tin tức tiêu cực trên mạng xã hội 
  • Chọn nguồn tin tức uy tín và chính xác, tránh fake news hoặc bias news

Nuôi dưỡng sự lạc quan

News anxiety khiến chúng ta bị mệt mỏi mất cân bằng, tuy nhiên, cũng có nhiều cách có thể giúp chúng ta lấy lại và nuôi dưỡng tư duy tích cực hơn. Trước hết, bạn hãy thử hạn hạn chế và thay thế các nguồn tin tức tiêu cực bằng những bài viết tích cực, ý nghĩa. Nghiên cứu cho thấy những can thiệp tâm lý tích cực, chẳng hạn như viết nhật ký, thực hành lòng biết ơn,… có thể làm tăng cảm giác lạc quan. Hơn nữa, những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống cũng giúp góc nhìn và quan điểm của chúng ta trở nên tích cực hơn.

Tâm sự với ai đó

Khi có nhiều điều đang diễn ra trong đầu bạn, bạn có thể bộc lộ cảm xúc của mình  bằng cách nói chuyện với người mà bạn tin tưởng. Điều này không chỉ giúp bạn có thêm sự chia sẻ mà còn giúp bạn xử lý suy nghĩ của mình để có thể cảm thấy tốt hơn.

Thực hành chăm sóc bản thân 

Hãy làm điều gì đó bạn yêu thích và giúp thư giãn để giảm căng thẳng. Tắm, dạo bộ, tập yoga, chơi với thú cưng, tưới cây,… chẳng hạn. Điều này sẽ rất có lợi trong trường hợp bạn đang bị chi phối và phân tâm bởi việc đọc hoặc xem tin tức. Những việc này sẽ kéo bạn ra khỏi cảm giác khó chịu đó và giúp dòng suy nghĩ của mình được thông suốt hơn.

Đọc thêm: 14 ý tưởng self-care đơn giản bạn đã biết?

Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia

Nếu bạn đã thử qua các biện pháp trên nhưng vẫn phải vật lộn với chứng lo âu do tin tức, có lẽ đã đến lúc bạn nên thử tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. 

Một liệu pháp các chuyên gia hay sử dụng là CBT – liệu pháp hành vi nhận thức – liệu pháp hành vi nhận thức. CBT là một hình thức trị liệu bằng trò chuyện, qua đó các nhà tâm lý học sẽ giúp bạn xác định và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến cảm xúc và hành vi của mình. 

Mặc dù news anxiety có thể ảnh hưởng tới chúng ta theo nhiều mức độ khác nhau nhưng bạn cũng đừng quên tự nhắc nhở bản thân rằng đó đều là một phản ứng bình thường của con người trước những tin tức tiêu cực. Hãy để bản thân thực hành việc chấp nhận và quan sát tất cả các cảm xúc của mình và hiểu rằng những cảm xúc này rồi cũng sẽ qua đi theo thời gian. Bằng việc duy trì một thái độ lạc quan và tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn, chúng ta vừa có thể tiếp nhận tin tức một cách thông minh, vừa giữ cho sức khỏe tinh thần của mình của mình được vững vàng.


Tài liệu tham khảo

  1. Alexandra Hopkins  (May 8, 2023). How can the news affect anxiety? | Iesohealth
  2. Sara Lindberg, M.Ed (May 18, 2020). Is Watching the News Bad for Mental Health? | Verywellmind
  3. Eric Patterson, LPC  (June 21, 2022). Doomscrolling: Why Too Much News Can Be Bad for Your Mental Health | Goodrx
  4. Maria Cohut  (January 16, 2020). Anxious about the news? Our top tips on how to cope | Medicalnewstoday 
  5. How to cope with news anxiety | mental health-uk

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *