Quản lý stress Sức khoẻ tinh thần

Secondhand stress: Dấu hiệu và tips đối phó

Nghiên cứu chỉ rằng nhờ sự “có thể bắt được” cảm xúc,  chúng ta có thể bị “lây lan” được những căng thẳng, lo âu và những cảm xúc từ người khác, điều này được chứng minh từ một nghiên cứu được công bố trên Research in Organizational Behavior. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy ai đó biểu lộ dấu hiệu căng thẳng điển hình cũng đủ để kích hoạt phản ứng căng thẳng trong chúng ta. Và hiện tượng này được gọi là secondhand stress. 

Khi rơi vào trạng thái này, chúng ta dễ có cảm giác kiệt sức, lo lắng và thậm chí nghiêm trọng hơn là né tránh tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và những người ta yêu thương. Liệu chúng ta có thể làm gì để phát hiện ra những triệu chứng của secondhand stress trước khi nó hoàn toàn kiểm soát ta?

Hãy cùng heal.thee điểm qua những dấu hiệu của secondhand stress và các tips đối phó với nó thông qua bài viết dưới đây nhé.

Secondhand stress là gì?

Secondhand stress có thể là khái niệm xa lạ đối với nhiều người nhưng chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua nó mà không hề hay biết. Secondhand stress xảy ra khi bạn cảm thấy căng thẳng hay lo âu khi chứng kiến ai đó biểu lộ những dấu hiệu của sự căng thẳng, tiêu cực trong cuộc sống. 

Đó là bởi vì, về cơ bản tâm trí và cơ thể của chúng ta được kết nối để theo dõi những mối nguy hiểm hay đe dọa tiềm ẩn. Khi chúng ta thấy ai đó có phản ứng căng thẳng hay lo âu, chúng ta thường có khuynh hướng bắt chước họ, như là một hình thức cơ thể tự phòng vệ theo bản năng.

Điều này diễn ra giống như khi bạn thấy ai đó ngáp, bạn sẽ có xu hướng ngáp theo họ. Hoặc khi thấy một người đang trải qua những cảm xúc hạnh phúc, chúng ta sẽ thường cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ theo. Nhưng secondhand stress có thể khiến bạn dễ dàng bị ảnh hưởng và trải qua những cảm giác tiêu cực, căng thẳng từ người khác.

Không chỉ vậy, vấn đề nghiêm trọng hơn là, bạn hiếm khi nhận ra rằng mình đang trải qua secondhand stress và khi phát hiện ra thì rất có thể tình hình đã trở nên rất trầm trọng. Vì vậy, mỗi người nên chú ý những triệu chứng của secondhand stress, phản ứng cảm xúc của cơ thể để có thể sớm ngăn chặn và cải thiện tình hình sức khỏe tâm lý một cách kịp thời.

Ảnh: Liza Summer | Pexels

10 Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị secondhand stress

Bạn biết bạn bị stress nhưng lại không biết rõ nguyên nhân

Secondhand stress không đến từ chính chúng ta, điều này có nghĩa là khi ta nhận ra bản thân đang trải qua cảm giác căng thẳng, tiêu cực mà không biết nguồn cơn gây ra stress từ đâu là điều khó tránh khỏi. Bởi lẽ cơ thể chúng ta có khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác một cách đáng ngạc nhiên.

Theo nhà trị liệu tâm lý và tác giả Jonathan Alpert, nếu mỗi chúng ta không thiết lập ranh giới phù hợp xung quanh mình, để mọi người thoải mái trút những vấn đề hay rắc rối của họ lên đầu bạn hoặc bạn gặp khó khăn khi nói “không” với những điều mình không thích, thì bạn thậm chí có nhiều nguy cơ bị căng thẳng cao hơn.

Bạn trở nên tiêu cực hơn

Ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, dù bạn có là người tích cực đến đâu đi chăng nữa mà xung quanh bạn chỉ toàn những người mang năng lượng tiêu cực, thì bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ họ. 

Vấn đề nghiêm trọng hơn là điều này thường diễn ra theo xu hướng từ từ, chậm rãi khiến chúng ta thậm chí không để ý tới nó. Hành vi tiêu cực thường nảy sinh khi những suy nghĩ lạc quan bị dập tắt, do đó nếu bạn ở xung quanh những người luôn luôn phủ nhận nỗ lực hay cố gắng của bạn, thì theo thời gian bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực đó.

Vì thế, nếu đột nhiên bạn có cảm giác tiêu cực hơn bình thường, hãy bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi cho bản thân như: “Tại sao lại khó suy nghĩ tích cực đến vậy?” hay “Dạo này mình có tiếp xúc với ai có năng lượng tiêu cực hay không?”. Bạn hãy cố gắng tập trung vào sự biến đổi sự cảm xúc của bản thân và tự nhìn nhận liệu rằng có nhân tố bên ngoài hay con người gây ra để tìm ra hướng giải quyết kịp thời.

Bạn quan tâm đến cảm xúc của người khác một cách thái quá

Theo bác sĩ tâm lý Shirtcliff, nếu bạn thấy bản thân đang quan tâm thái quá đối với sự an toàn của người thân, bạn bè, người yêu…, có thể bạn đang đối mặt với secondhand stress. Ngoài ra, cô ấy nói rằng nhiều nghiên cứu cho thấy những người chăm sóc – điển hình là các bà mẹ, thường có lượng hoocmon gây ra sự căng thẳng (cortisol) tăng đột biến khi đứa con của họ phải trải qua sự căng thẳng, lo âu. Và mức tăng đột biến cortisol mà các bà mẹ trải qua cao hơn cả mức đột biến ở những đứa trẻ trải qua trải nghiệm căng thẳng.

Bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường

Nếu bạn luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể đã bị ảnh hưởng bởi secondhand stress. Có thể bạn bè của bạn gần đây đang căng thẳng trầm trọng hoặc trải qua một cuộc chia tay tồi tệ. Hoặc có thể bạn đang giúp đỡ một thành viên trong gia đình vượt qua nỗi đau hay những công việc phức tạp. 

Khi bạn đầu tư thời gian cảm xúc và năng lượng để giúp đỡ một ai đó, bạn có thể bị kiệt sức. Mặc dù ở bên người khác khi họ thật sự cần bạn là một hành động vô cùng cao cả nhưng hãy đảm bảo sức khỏe tinh thần của bản thân không bị ảnh hưởng. Đôi khi nói “không” không đồng nghĩa là bản thân ích kỷ. Bạn không thể lo cho ai trong khi bản thân vẫn chưa sẵn sàng với điều đó.

Bạn nhận thấy bạn bè/ đồng nghiệp của bạn đang trải qua stress trầm trọng

Liệu bạn có đồng nghiệp nào mà họ luôn trong tình trạng vò đầu bứt tai không? Điều này có tương quan với sự lo lắng của bạn không? Nếu đúng như vậy, có thể bạn đã tìm ra nguyên nhân gây ra secondhand stress mà bạn đang trải qua.

Vậy cách nào tốt nhất để phòng tránh điều này? Vì bạn có thể sẽ phải gặp đồng nghiệp khá thường xuyên. Một trong những cách hiệu quả đó là một khi bạn biết đồng nghiệp nào mang đến năng lượng tiêu cực, bạn nên bắt đầu hạn chế thời gian bên cạnh họ. Ví dụ, nên để cho họ biết rằng bạn không có nhiều thời gian để bàn luận về điều gì đó. Việc nhận ra đồng nghiệp có xu hướng kích thích phản ứng tiêu cực và căng thẳng bên trong bạn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn secondhand stress.

Bạn cảm thấy mất khả năng tập trung, trí nhớ bị suy giảm

Nếu bạn đang trải qua các triệu chứng như trí nhớ suy giảm, mất khả năng tập trung hoặc kiệt sức về tinh thần, bạn nên suy ngẫm lại và nhìn nhận xung quanh. Có thể những triệu chứng này gây ra bởi những người mà bạn dành nhiều thời gian ở bên cạnh. 

Tại sao điều này sẽ xảy ra? Khi bạn đối mặt với sự căng thẳng của ai đó xung quanh mình, bộ não của bạn sẽ chuyển sang chế độ sinh tồn giống như nó sẽ dồn toàn bộ năng năng lượng để giữ an toàn cho bạn. Những bản năng này đòi hỏi sự tập trung cao độ vì chúng được thiết kế để giúp chúng ta luôn sẵn sàng đối mặt với những mối đe dọa. Không may là, điều này gây ảnh hưởng đến chức năng nhận thức hàng ngày của bạn và những tín hiệu này ngăn cản não bộ suy nghĩ một cách sáng suốt. 

Bạn cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ được giao một cách quá gấp gáp

Khủng hoảng thời gian là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng. Nhưng khi khủng hoảng thời gian do sếp, đồng nghiệp hoặc thậm chí là đối tác đặt lên bạn, tâm trạng “buồn bã” của bạn có thể sẽ  trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này có nghĩa là bạn phải đối mặt với secondhand stress không mong muốn bên cạnh áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. 

Nếu đồng nghiệp của bạn có xu hướng thích lên kế hoạch nhưng bạn lại không muốn tuân thủ theo ý tưởng đó, bạn nên sẵn sàng đối mặt với sự phản kháng đến từ họ và hãy thử nói chuyện, trao đổi lại với họ bằng sự chân thành và thẳng thắn.

Bạn gặp khó khăn trong việc nhận biết nguyên nhân stress

Nhiều người đối mặt với secondhand stress nhưng không biết rõ nguyên nhân đến từ đâu. Nếu bạn không thể làm rõ vấn đề và tại sao điều đó làm bạn cảm thấy thấy phiền toái, theo Alicia Brown – nhà trị liệu tâm lý tại Grow Therapy ở Nam Florida, bạn có thể đang đối mặt với secondhand stress. 

Cô ấy nói rằng điều này tương tự như việc bạn không thể giải thích tại sao stress lại ảnh hưởng đến bạn nghiêm trọng như vậy hoặc tại sao bạn lại quan tâm đến người thân của mình một cách thái quá. Nhìn chung, điều này giống như một vấn đề nan giải và không có giải pháp. Và để đối phó với tình trạng này, bạn cần phải có khả năng nhận ra tác nhân gây căng thẳng hoặc tác nhân kích hoạt, nhìn nhận cảm xúc của mình một cách thành thật để tìm ra hướng giải quyết hợp lý. 

Làm thế nào để vượt qua secondhand stress?

Nghỉ ngơi đầy đủ

Đôi khi, bạn nên lùi lại một bước để nhìn nhận và xem xét tình hình, cho bản thân có cơ hội chăm sóc chính mình và đặt nhu cầu về cảm xúc cũng như tinh thần của mình lên hàng đầu. Bạn không thể giúp đỡ ai đó nếu như chính bản thân bạn vẫn chưa ổn định dù cho bạn có cố gắng bao nhiêu.

Đọc thêm: 7 kiểu nghỉ ngơi đúng cách giúp bạn nạp năng lượng

Tìm ai đáng tin cậy để tâm sự và giúp bạn đối mặt với secondhand stress

Nhà tâm lý học Shirtcliff, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Oregon, nói rằng: “Hãy thực hành một số biện pháp tự chăm sóc bản thân và cho phép bản thân bộc lộ cảm giác căng thẳng bên trong mình, đồng thời đừng cho rằng căng thẳng không ảnh hưởng gì tới bạn vì nó có thể tác động tới bạn”. 

Việc kìm nén sự căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và khiến hoocmon stress tăng vọt – điều này có thể gây ra các hệ lụy như: đau tim, huyết áp cao, đau đầu… theo Mayo Clinic. Để chống lại sự đơn độc và việc phải kìm nén, bạn nên tìm kiếm ai đó để tâm sự và bày tỏ nỗi lòng cùng họ. Đôi khi thật khó khăn để bản thân có thể cởi mở và tìm kiếm sự giúp đỡ của ai đó cùng mình vượt qua những tình huống tồi tệ, nhưng điều này rất cần thiết để bạn đối mặt với secondhand stress.

Nuôi dưỡng sự lạc quan

Chúng ta thường nghe những lời khuyên như nên ở quanh những người mang năng năng lượng tích cực để có thể nuôi dưỡng sự lạc quan và phát triển tư duy tích cực. Vì nếu như cảm xúc tiêu cực có thể lây lan, thì cảm xúc tích cực cũng sẽ được lan tỏa bởi những người mà ta tiếp xúc.

Bạn hãy tập trung khích lệ bản thân với những điều mà bạn hy vọng được thấy bởi những người xung quanh bạn. Và bạn có thể thực hành thông qua việc tự đưa ra những câu khẳng định mang hướng tích cực để xoa dịu cảm giác lo âu ví dụ như mọi chuyện rồi sẽ qua thôi, mình tin mình có thể làm được,…

Ngoài ra, thực hành kỹ thuật thở chánh niệm cũng là một cách vô cùng hiệu quả để giúp bạn giảm bớt cũng như kiểm soát sự căng thẳng.

Đọc thêm: Xoa dịu lo âu, căng thẳng với kỹ thuật 5-4-3-2-1 

Tìm ra nguyên nhân gây ra secondhand stress 

Không phải các loại stress đều gây hại cho tinh thần của chúng ta. Những sự kiện lớn của cuộc sống hay những sự thay đổi có thể đi kèm với cảm giác căng thẳng hoặc hoặc lo âu. Và một số dạng căng thẳng có thể giúp chúng ta trong ngắn hạn, khích lệ chúng ta tiếp tục hoàn thành mục tiêu, tránh những hành vi có thể khiến chúng ta bị thương hoặc tiếp tục tập trung vào tình huống hiện tại.

Thông qua việc lùi lại một bước, phân tích và ngẫm nghĩ xem cảm xúc của bạn như thế nào, bạn có thể bắt đầu nhận ra đôi khi stress không phải bắt nguồn từ chính mình. Nhận ra những dấu hiệu cho thấy mọi người xung quanh bạn đang bị căng thẳng có thể là bước đầu tiên để thấu hiểu được loại stress mà bạn hoặc họ đang trải qua, đồng thời giúp đối mặt trực tiếp với nó. 

Chăm sóc bản thân

Một trong những cách tốt nhất để loại bỏ sự căng thẳng dù là trực tiếp hay gián tiếp thì chú trọng chăm sóc sức khỏe của chính mình là cách tốt nhất. Ăn uống đầy đủ, tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn giảm căng thẳng một cách hiệu quả. 

Theo Shawn Achor – tác giả, diễn giả người Mỹ nói rằng: “Nghĩ về những điều biết ơn nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng mà nó mang lại cho bạn một kho tàng chứa những điều tích cực để giúp bạn trung hòa và cân bằng bất kỳ tiêu cực nào mà bạn sẽ phải trải qua”. Học cách chăm sóc bản thân, duy trì những thói quen lành mạnh mỗi ngày sẽ giúp bạn có một cuộc sống thoải mái, an yên hơn.

Đọc thêm: 14 ý tưởng self-care đơn giản bạn đã biết

Thừa nhận và chấp nhận rằng không phải tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn

Dù chúng ta muốn hỗ trợ và giúp đỡ ai đi nữa thì thật tốt khi nhắc nhở bản thân rằng, suy nghĩ và phản ứng của người khác không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần làm là làm chủ cảm xúc của chính mình. Học cách nhận ra, suy ngẫm và thành thật với cảm xúc của bản thân có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn với mọi người xung quanh. 

Chúng ta vẫn có thể tử tế, chu đáo và giàu lòng trắc ẩn với bạn bè và người thân, nỗ lực hết mình để ủng hộ và giúp đỡ họ. Thế nhưng, tất cả những gì chúng ta nên làm trước hết đó là tập trung vào việc đối xử thật tốt với bản thân và luôn đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe về tinh thần của chúng ta một cách tốt nhất.


Tài liệu tham khảo

  1. Power of Positivity (18.11.2018). 11 Signs You Have Secondhand Stress.
  2. Bonnie Evie Gifford (18.05.2023). What is secondhand stress and how do I get rid of it? . Happiful
  3. Jillian Wilson (02.03.2023). The Biggest Signs You’re Experiencing Secondhand Stress. Huffpost.
  4. Rebecca Knight (04.10.2018). How to Cope with Secondhand Stress. Harvard Business Review.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *